Đoàn tham quan du lịch của chúng tôi với chương trình “Trở về cội nguồn” của tỉnh Lào Cai trong không khí tấp nập, rộn ràng. Du khách bốn phương nô nức đến với thiên nhiên và con người để hội nhập với sinh hoạt văn hóa đậm đà chất dân tộc miền núi. Các trung tâm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước đến thành phố Lào Cai để tiếp thị khu du lịch Sa Pa, Bắc Hà, lễ hội Đền Thượng, đặc biệt là phiên chợ Bắc Hà.
Chợ Bắc Hà nằm ngay trung tâm thị trấn thuộc xã Tà Chải. Cứ khoảng 2 giờ chiều thứ bảy từng đoàn người từ các xã như Cán Cẩu, Tá Củ Tỷ, Nậm Đót lũ lượt kéo về phiên chợ. Họ đi bằng ngựa thồ đủ các loại lâm thổ sản về bán. Sang ngày chủ nhật phiên chợ càng đông vui hơn, sặc sỡ đủ màu quần áo, ô dù cùng đồ trang sức. Các cô gái Tày, Nùng với các sản phẩm nổi tiếng như đồ trang sức bằng bạc, vòng tay, nhẫn, hoa tai với tiếng đàn môi, sáo trúc khèn…Ai đi chợ cũng muốn mua về những đồ kỉ niệm, chợ có nhiều đặc sản miền núi như hoa quả, mật ong, nấm hương, măng rừng, cá suối…Hàng công nghiệp nhiều nhất vẫn là hàng Trung Quốc từ Vân Nam chuyển đến như vải vóc, quần áo, đèn pin, thuốc chữa bệnh. Sản phẩm địa phương là các loại biệt dược nổi tiếng như đỗ trọng, tam thất, gấu tàu, ý dĩ…Chợ Bắc Hà không chỉ là nơi mua bán, trao đổi mà còn là nơi hò hẹn của trai chưa vợ, gái chưa chồng.Hát giao duyên là một sinh hoạt văn hóa dân tộc đặc thù của các chàng trai cô gái người Dao, Pù Lá. Âm thanh từ bài hát hòa trong tiếng khèn, sáo, chứa đựng những tình cảm yêu thương tràn đầy hy vọng làm du khách không khỏi xao xuyến, bâng khuâng. Dưới rừng xanh lá, hay ven đồi trai gái người H’Mông ngồi tâm sự hò hẹn lứa đôi.Tiếng đàn môi của chàng trai du dương như róc vào tâm hồn cô gái những cô gaí:
Ta đi tìm nắng dù trời sập chẳng sợ
Ta đi kiếm em dù đất lở chẳng dời…
Nói đến Bắc Hà phải nói đến món thắng cố, phở chua và rượu. Rượu Bắc Hà trong vắt như nước mưa. Nguyên liệu chủ yếu là ngô, được ủ với men của địa phương, được cất lên. Nồng độ từ 45 đến 60 độ. Rượu ở đây có thể bị say nhưng không đau đầu. Ai đi chợ cũng đều uống rượu từ ông già, đàn bà, gái trai, trẻ nhỏ, đều uống mà không thấy to tiếng, cãi lộn. Thắng cố được nấu bằng chiếc chảo to đật trên ba hòn gạch, củi được đốt lên đượm than hồng. Người ta đổ vào chảo nhiều loại xương như dê, bò, chó, thịt ba chỉ cả bộ lòng… Gia vị gồm ớt, tỏi, rau thơm, nõn chuối, búp cây chua. Thắng cố được múc vào bát to hay chiếc máng bằng tre. Họ lặng lẽ ăn, lặng lẽ uống, gật gù bên nồi thắng cố rủ rỉ truyện trò. Quầy thắng cố, phở chua trở thành một trung tâm truyền tin của đồng bào các dân tộc.
Chợ Bắc Hà còn hấp dẫn du khách với những trò chơi như ném còn, chọi chim, bắn nỏ, đánh đu rất hấp dẫn và thú vị. Đến Bắc Hà rồi chia tay mảnh đất đầy quyến rũ, lòng du khác còn đọng mãi lời ca, tiếng hát và âm điệu đàn môi của phiên chợ vùng Tây Bắc, đầu cầu trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng tiếp giáp với vùng Tây Nam Trung Quốc.