Năm 2016 đã khép lại, đánh
dấu bước phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch tỉnh Lào Cai, với tổng doanh thu
từ các hoạt động du lịch trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 6.405 tỷ đồng tăng 37% so cùng kỳ 2015.
Để có sự tăng trưởng về doanh thu từ các hoạt
động du lịch, Lào Cai đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trọng
tâm là triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, vì vậy ngành Du
lịch của tỉnh đã có những bước khởi sắc rõ rệt.
Theo đó, năm
2016, du lịch Lào Cai đã có sự tăng trưởng mạnh về cả số lượng khách tham quan
và doanh thu từ các hoạt động du lịch. Cụ thể, tổng lượt khách đến Lào Cai ước đạt:
2,77 triệu lượt khách, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó: khách quốc
tế ước đạt 750 nghìn lượt, khách du lịch nội địa ước đạt: 2,02 triệu lượt. Tổng
thu du lịch năm 2016 ước đạt 6.405 tỷ đồng tăng 37% so cùng kỳ 2015, trong đó tổng thu từ khách quốc tế 1.851 tỷ đồng, tổng thu từ khách nội
địa 4.554 tỷ đồng..
Để có được những kết quả tích cực đó, bên
cạnh những hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, phải kể đến sự phát triển mở
rộng của hệ thống đường giao thông kết nối Lào Cai với các địa phương khác,
nhất là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã góp phần làm cho lượng khách
du lịch đến Lào Cai có những thời điểm tăng đột biến. Đồng thời hệ thống cơ sở
lưu trú trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng đã được tập trung đầu tư phát triển theo
hướng hiện đại, hợp lý. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 38 doanh nghiệp lữ hành (6
công ty cổ phần, 30 công ty TNHH, 02 doanh nghiệp tư nhân) với 908 cơ sở lưu
trú với trên 11.500 buồng, trong đó: 01 khách sạn 5 sao, 05 khách sạn 4 sao, 09
khách sạn 3 sao, 52 khách sạn 2 sao, 120
khách sạn 1 sao và 522 nhà nghỉ du lịch và 168 nhà có phòng cho khách du
lịch thuê (Homestay), công suất sử dụng phòng bình quân đạt khoảng 60%. Nhóm
các hộ gia đình làm homestay tại Sapa và Bắc Hà đã tham gia và đạt giải thưởng
du lịch homestay Asean, giải quyết việc làm cho hơn 14.000 lao động.
Việc thực hiện đa dạng hóa các loại hình du
lịch trên cơ sở khai thác những tiềm năng tự nhiên, văn hóa truyền thống của
địa phương cũng đã góp phần tăng sức hút của du lịch Lào Cai đối với du khách
trong nước và quốc tế. Đến nay, nhiều loại hình du lịch đã được khai thác có
hiệu quả như: Du lịch nghỉ dưỡng tại Sa Pa, Bắc Hà; du lịch sinh thái, khám
phá, mạo hiểm gắn với đỉnh Fansipan, sông Chảy; du lịch văn hóa, cộng đồng; du
lịch tâm linh; du lịch mua sắm... Đặc biệt, thời gian qua, hàng loạt khu vui
chơi, giải trí đã và đang được xây dựng, góp phần quan trọng trong việc tăng
lượng khách du lịch đến với Lào Cai. Điển hình là Dự án Cáp treo Fansipan của
Tập đoàn Sungroup, khách sạn 5 sao Aristo, khách sạn 4 sao Amazing.
Để nâng cao hiệu quả hơn nữa các hoạt động du
lịch, tăng thu nhập cho người dân, ngành Du lịch Lào Cai sẽ tiếp tục thực hiện
những định hướng phát triển lâu dài như: Tăng cường hợp tác, khai thác có hiệu
quả các tuyến du lịch; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới mang dấu ấn
địa phương, vùng...
Năm 2016, Lào Cai được đánh giá là một địa
phương đi đầu trong phát triển loại hình du lịch cộng đồng, theo đó Sa Pa là
điểm du lịch thu hút đông khách tham quan nhất trong tỉnh. Những hoạt động du
lịch còn góp phần nâng cao đời sống của hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu
số, thu nhập bình quân từ du lịch cộng đồng đạt từ 30 – 50 triệu đồng/hộ/năm
(có nhiều hộ đạt doanh thu từ 60 đến 100 triệu đồng/năm - cao gấp từ 5 đến 25
lần so với các hộ không tham gia du lịch cộng đồng).
Việc phát triển sản phẩm du lịch gắn với
những địa phương cụ thể đã góp phần tăng lượng khách đến với tỉnh Lào Cai.
Trong năm qua, nhiều địa phương đã nổi lên như những điểm đến có sức hút lớn
đối với khách du lịch, điển hình như: huyện Sa Pa đón 970.000 lượt; thành phố Lào Cai đón 1.476.324 lượt, huyện Bắc Hà đón 200.500 lượt...
Thời
gian tới, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển các hoạt động du lịch, Lào Cai sẽ
tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: trọng tâm là tăng cường triển khai thực hiện các
nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030; thực hiện các nhiệm vụ Quy
hoạch tổng thể phát triển Du lịch Lào Cai giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn 2030;
tăng cường hợp tác cùng các địa phương trong khu vực Tây Bắc, kết nối các điểm
du lịch; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng như Đường giao thông, hệ
thống cơ sở lưu trú... theo hướng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của du khách tham
quan; triển khai những dự án du lịch trọng điểm gắn với nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực trong ngành Du lịch./.