CTTĐT - Giai đoạn 2011-2016, du lịch Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đang dần khẳng định vai trò “đột phá” trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Topas Ecolodge Resort Sapa là khu du lịch duy nhất ở Việt Nam có hình thức du lịch hoàn toàn xa rời với những phương tiện của thế giới văn minh.
Thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015- 2020, tầm nhìn 2030 cho thấy du lịch Lao Cai đang phát triển theo đúng định hướng, bảo đảm bền vững, có hiệu quả, phù hợp và đóng góp mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá được đặc biệt quan tâm, tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án chuyên đề về phát triển du lịch qua các giai đoạn. Công tác tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch được tỉnh Lào Cai đẩy mạnh: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015- 2020, tầm nhìn 2030; phê duyệt và công bố Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định 1845/QĐ-TTg, ngày 26/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ),... là những định hướng quan trọng để phát triển du lịch Lào Cai. Hiện tại, các cấp, các ngành của tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch đã được phê duyệt, phấn đấu đến hết năm 2018, Sa Pa được công nhận là Khu Du lịch quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai đang quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch một số huyện, thành phố có tiềm năng phát triển du lịch, như: Thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, huyện Bắc Hà…Đây là những căn cứ quan trọng để hoạch định phát triển du lịch Lào Cai và thu thút đầu tư trong giai đoạn tới.
Trong thời gian ngắn, Lào Cai đã có thêm nhiều điểm đến mới, có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù và không ngừng tạo ra các sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững. Trước hết phải kể đến loại hình du lịch cộng đồng cũng phát triển mạnh tại Lào Cai, tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo gắn với đặc trưng văn hóa của tỉnh. Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã công nhận chính thức 28 điểm du lịch, 20 tuyến du lịch, 16 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và Bát Xát, Sa Pa với gần 200 hộ gia đình có đủ điều kiện được kinh doanh loại hình lưu trú tại gia (homestay). Trong năm 2016 và 2017, nhóm hộ dân có nhà cho khách du lịch thuê (Homestay) tại Tả Van Giáy - Sa Pa được trao giải thưởng Homestay Asean.
Bên cạnh đó, Tỉnh Lào Cai đã phát triển mạnh các sản phẩm du lịch làng nghề, câu lạc bộ thêu dệt thổ cẩm; đồng thời chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc phục vụ du lịch thông qua việc xây dựng mô hình làng nghề thủ công gắn với du lịch cộng đồng tại cụm xã Tả Van, mô hình chợ đêm phục vụ khách du lịch trên địa bàn huyện Sa Pa, ... đã góp phần làm phong phú và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Lào Cai.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, đến nay Lào Cai có 867 cơ sở lưu trú với trên 10.000 buồng, công suất sử dụng phòng bình quân đạt khoảng 60%. Toàn tỉnh có trên 500 nhà hàng lớn, nhỏ phục vụ du khách. Hàng loạt khu vui chơi giải trí đã và đang được hình thành như: Cáp treo Fansipan, Hàm Rồng, Cát Cát (Sa Pa), Hồ Na Cồ (Bắc Hà), công viên Nhạc Sơn, các khu tổ hợp dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, tắm thuốc dân tộc, casino, dịch vụ mua bán hàng thổ cẩm,… đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Đặc biệt, các thiết chế văn hóa lớn của tỉnh cũng đã được xây dựng để phục vụ cho phát triển du lịch của tỉnh nói chung và Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc nói riêng như: Bảo tàng tỉnh, Nhà trưng bày, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh,... góp phần tạo nên diện mạo mới và tiền đề quan trọng để tạo đà cho du lịch Lào Cai phát triển trong những tiếp theo, đảm bảo theo đúng định hướng Chiến lược và Quy hoạch đã được phê duyệt.
Công tác xúc tiến, quảng bá được tăng cường mạnh mẽ, đổi mới cả về nội dung và hình thức, quảng bá hình ảnh Du lịch Lào Cai. Ngoài việc tham gia các hội chợ, đón đoàn famtrip và mediatrip đến tìm hiểu sản phẩm, tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch,... những cách thức mới cũng được tiếp cận và áp dụng như xúc tiến qua các kênh internet, mạng xã hội, thiết lập quan hệ công chúng; việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong xúc tiến quảng bá, liên kết giữa điện ảnh, truyền hình và du lịch đã ngày càng được chú trọng. Thương hiệu du lịch Sa Pa - Lào Cai đã được định vị trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Bởi vậy, chỉ trong 6 năm (2011 - 2016), lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng gấp 2,8 lần (năm 2011 đạt gần 969 nghìn lượt khách, đến năm 2016 đạt gần 2,77 triệu lượt khách), tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31%/ năm. Đã thu hút trên 20.000 tỷ đồng trong lĩnh vực đầu tư du lịch. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch ngày càng sâu rộng, góp phần quan trọng mở rộng thị trường nguồn khách quốc tế cho du lịch Việt Nam. Nguồn nhân lực du lịch đã tăng về số lượng và từng bước được cải thiện về chất lượng.
Đồng thời sự phát triển du lịch đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác như giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, văn hóa, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ,... góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc. Du lịch đóng góp đáng kể và ngày một tăng trong việc giải quyết việc làm tại địa phương.
Tuy nhiên, Lào Cai cũng thẳng thắn nhận định rằng, mức phát triển của du lịch tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế so sánh; hiệu quả kinh doanh du lịch còn thấp. Cơ sở vật chất chuyên ngành về hệ thống lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là các cơ sở lưu trú chất lượng cao (chỉ có 20/600 cơ sở lưu trú, từ 3- 5 sao, chiếm khoảng 3%).
Năng lực cạnh tranh của du lịch Lào Cai vẫn thấp và chuyển biến chưa nhiều, mức tăng hạng cạnh tranh thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp du lịch của Lào Cai chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, chậm đổi mới và thích ứng với nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, 40% chưa qua đào tạo chuyên ngành, đặc biệt đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên điểm đến năng lực, trình độ chưa đồng đều. Một số mô hình du lịch cồng đồng tuy hiệu quả nhưng đứng trước nguy cơ thương mại mại hóa một số dịch vụ, không chú trọng yếu tố văn hóa truyền thống, ẩm thực, văn nghệ vào khai thác phục vụ du lịch, chưa gắn với chia sẻ lợi ích cho cộng đồng. Phát triển hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, tuyến, điểm du lịch vẫn còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống các trạm dừng chân, bến đỗ xe tại các điểm tham quan chưa phát triển đồng bộ, chưa tạo thuận lợi cho vận chuyển hành khách…
Để khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển du lịch trong những năm vừa qua; tỉnh Lào Cai tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện các nội dung Chiến lược, Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Việt Nam và của tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp của Chương trình hành động số 148-CTr/TU ngày 28/7/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đồng thời tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, xác định rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Thực hiện hiệu quả các kế hoạch tuyên truyền, xúc tiến quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Lào Cai. Thu hút mạnh mẽ đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch. Phát triển sản phẩm, dịch vụ d lịch đi đôi với bảo vệ tài nguyên du lịch. Thực hiện các giải pháp bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; sưu tầm, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích, danh thắng để phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Hồng Minh