image banner

Lào Cai 24° - 27°
Lào Cai phát triển những sản phẩm du lịch mới dựa trên lợi thế nông nghiệp của tỉnh
Trong guồng quay đô thị hóa của cuộc sống hiện đại, một không gian sống thực và thoáng đạt mang tính đồng quê với cộng đồng nông nghiệp làng xã ấm cúng luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách du lịch ở mọi lứa tuổi. Là một tỉnh miền núi phía Bắc, tổng diện tích đất tự nhiên của Lào Cai là 635.708 ha, với khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng bị chi phối rất lớn bởi địa hình, đặc biệt là độ cao đã tạo ra cho Lào Cai các tiểu vùng khí hậu rất thuận lợi cho phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, đa dạng cây trồng, vật nuôi mang tính đặc hữu và cả ưu thế cạnh trạnh. Tiềm năng nông nghiệp gắn với những ruộng bậc thang, vườn cây ăn quả, vườn dược liệu, trang trại trồng rau, trồng hoa chính là cơ sở tiền đề để thúc đẩy du lịch. Và ở chiều ngược lại, phát triển du lịch dựa trên tài nguyên nông nghiệp cũng làm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống nông dân, qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống. Trong thời gian vừa qua, ngoài những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá, du lịch tâm linh, ngành du lịch tỉnh đã có thêm những sản phẩm du lịch mới bắt nguồn từ lợi thế nông nghiệp của tỉnh.

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái: Với địa hình tỉnh Lào Cai đặc trưng là núi cao xen kẽ với đồi núi thấp bị chia cắt lớn, kết hợp cùng cộng đồng dân cư sinh sống trên nhiều dãy núi và thung lũng nhỏ biệt lập, trải qua nhiều đời canh tác sinh sống đã tạo nên những ruộng bậc thang tuyệt đẹp, cuốn hút du khách cả trong và ngoài nước. Đặc biệt là khu vực ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa (Sa Pa) đã được xếp hạng cấp di sản cấp quốc gia và ruộng bậc thang tại các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát. Tham quan ruộng bậc thang vào mùa lúa chín, trải nghiệm các công đoạn gặt lúa hay cày ruộng, cấy lúa đây được coi là sản phẩm du lịch nông nghiệp đầu tiên của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái phát triển mạnh được du khách ưu thích  như: Mô hình phát triển trồng hoa lan gắn với du lịch sinh thái của HTX địa lan Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai); mô hình trồng hoa hồng cổ Sa Pa của hợp tác xã; mô hình trồng hoa hồng tại Vườn Hồng Bắc Hà; Mô hình hoa lan và hoa phố tại thung lũng hoa Việt Tú; Đồi chè Linh Dương tại thành phố Lào Cai. Du khách tới tham quan, ngoài việc ngắm hoa còn được trải nghiệm trồng, chăm sóc, tìm hiểu về hoa và lưu lại những kỷ niệm ấn tượng. Du lịch nông trại cũng mới phát triển tại Lào Cai cách đây vài năm. Tuy nhiên điểm độc đáo của sản phẩm này đó là du khách sẽ được tận hưởng các sản phẩm từ mô hình nông nghiệp được tự tay thu hái rau, củ, quả: như Vườn trồng dâu; mô hình trồng nấm hương tại Sa Pa; Vườn lê Tai Nung tại Bát Xát; vườn mận Bắc Hà hay tham quan tại các trang trại nuôi cá tầm cá hồi và thưởng thức những món ăn ngon.

 Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng: Sản phẩm du lịch cộng đồng là sản phẩm thu hút 70% quan tâm của du khách nước ngoài khi đến tỉnh Lào Cai. Ngoài việc tìm hiểu những nét văn hoá độc đáo của người bản địa, du khách còn được tham gia trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày của người dân. Tại Sa Pa, du khách được trải nghiệm sản phẩm du lịch “một ngày làm nông dân” để cùng tham gia gặt lúa, cày ruộng hay tưới rau. Còn tại các điểm du lịch cộng đồng tại Bắc Hà du khách tham gia vào hái mận, bẻ ngô. Du lịch cộng đồng của tỉnh Lào Cai đã từng bước khẳng định được thương hiệu khi năm 2016, cụm các cơ sở homestay của huyện Bắc Hà nhận được giải thưởng Homestay Asean, năm 2017 khi cụm homestay Tả Van Giáy 1- thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa được trao giải thưởng Asean. Phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng nông thôn mới có mối quan hệ tương tác với nhau, cùng phát triển. Việc phát triển du lịch cộng đồng đã đóng góp thiết thực vào các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, ngược lại xây dựng nông thôn mới cũng tạo nên hệ thống giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Nhờ du lịch cộng đồng một số làng bản du lịch của tỉnh đã được thay da đổi thịt, đời sống người dân được nâng cao. Tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 – 2020; Qua đó, đầu tư xây dựng mô hình thí điểm du lịch cộng đồng tại xã Tả Van, huyện Sa Pa với cơ sở vật chất phù hợp, hoạt động mang tính chuyên nghiệp, đảm bảo tương đối đầy đủ các điều kiện và hoạt động hiệu quả trong đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng để nhân rộng trong toàn tỉnh. Thực hiện thành công sẽ đạt được mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, trở thành loại hình du lịch đặc trưng có tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường và đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

Phát triển sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch: Để nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực phục vụ du khách, ngành nông nghiệp đã sản xuất cung ứng các sản phẩm lương thực, thực phẩm đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu của du khách tại các điểm đến trên địa bàn tỉnh như: rau an toàn, lợn đen, gà đen, riêng sản lượng cá tầm, cá hồi của tỉnh đạt trên 500 tấn/ năm. Các sản phẩm của nông nghiệp còn được phát triển thành những sản vật có thương hiệu, trở thành mặt hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của du khách khi tới Lào Cai như: tương ớt Mường Khương, gạo Sén Cù, lạp xườn, thịt trâu sấy, chè chất lượng cao… ngoài ra, Lào Cai cũng phát triển dược liệu thành vùng hàng hoá gắn với phát triển du lịch. Cuối năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, tỉnh sẽ ưu tiên quy hoạch phát triển 10 chủng loại cây dược liệu đầu vị thuốc Bắc có thế mạnh về thị trường tiêu thụ, trên cơ sở khai thác các điều kiện của các tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới và rừng tự nhiên, với tổng diện tích 1.200 ha. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã hình thành vùng trồng hàng hóa theo nhu cầu đặt hàng của các công ty sản xuất, kinh doanh dược liệu đóng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh và góp phần vào phong phú mặt hàng mua sắm của khách du lịch. Từ nguồn nguyên liệu đã sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm hàng hóa như: Trà phun sương actiso, trà dây leo Sa Pa, trà túi lọc giảo cổ lam, trà hoa tâm thất, đông trùng hạ thảo…

Tuy nhiên những sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng bộc lộ hạn chế, hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp của tỉnh vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn. Phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản mà chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ khác. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm Du lịch nông nghiệp cũng chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

Trong thời gian tới, ngành du lịch và nông nghiệp tỉnh cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để du lịch có thể khai thác những giá trị khác biệt, khai thác các yếu tố điểm nhấn mang tính đặc trưng gắn với khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống bằng các dịch vụ nhỏ gọn nhưng chuyên nghiệp, thân thiện, phù hợp quy mô nông nghiệp nhỏ của địa phương; cần phối hợp triển khai chương trình quốc gia về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia, nhất là với người dân - chủ thể của hoạt động Du lịch nông nghiệp.

Dương Bích Thủy






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập