Gắn kết làng nghề truyền thống với phát triển du lịch không những góp phần phát triển du lịch một cách bền vững mà còn phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Trong những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề, làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời, phương pháp và cách sáng tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng ở mỗi địa phương.
Theo Sở Công thương tỉnh Lào Cai, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 17 nghề truyền thống, 09 làng nghề và 19 làng nghề truyền thống được cấp có thẩm quyền công nhận; tập trung chủ yếu vào các nghề: thêu dệt thổ cẩm, nấu rượu, mây tre đan, rèn đúc,... ở các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai, Mường Khương, Văn Bàn; nhìn chung các làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động ổn định.
Đặc biệt một số mặt hàng của các làng nghề đã và đang trở thành sản phẩm hàng hoá nổi tiếng cả nước và từng bước vươn ra thị trường xuất khẩu như hàng thêu, dệt may thổ cẩm của Câu lạc bộ Thổ cẩm của phụ nữ Xa Phó, xã Nậm Sài, huyện Sa Pa mỗi năm chị em đã thêu được 5 – 6 nghìn sản phẩm với 15 mẫu xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Ý, Úc, Pháp, Nhật.
Mặt hàng thêu, duyệt thổ cẩm ở Sa Pa luôn được du khách yêu thích.
Thực tế cho thấy, việc triển khai loại hình du lịch làng nghề ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian qua mặc dù đã đem lại một số hiệu quả bước đầu, giúp các làng nghề truyền thống vừa có thêm cơ hội quảng bá, vừa bán được nhiều sản phẩm. Tuy nhiên, trong các làng nghề, làng nghề truyền thống chủ yếu là các hộ sản xuất nhỏ lẻ; sản xuất trong thời gian nông nhàn; thu nhập từ hoạt động sản xuất không phải là thu nhập chính. Mặt khác, khi làng nghề được công nhận không có người đứng ra tổ chức sản xuất, không xây dựng được quy chế hoạt động; do đó không thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Điều đáng quan tâm là việc phát triển làng nghề chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch; đầu tư sản xuất các mặt hàng truyền thống phục vụ du khách chưa được chú trọng. Trên địa bàn gần như chưa có được các sản phẩm lưu niệm chủ lực mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của Lào Cai; nhiều sản phẩm sản xuất với số lượng hạn chế chưa trở thành hàng hóa và chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Thiếu sự phối kết hợp giữa các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xuất nhập khẩu, du lịch, thương mại, khoa học - công nghệ, các nghệ nhân với các nhà sản xuất.
Về phía du lịch, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thừa nhận, rất ít tua du lịch làng nghề đặc thù, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề cũng chưa được chú trọng; có chăng chỉ là sự nhanh nhạy thức thời của một số công ty lữ hành khi đưa thêm vào tua du lịch những chương trình tham quan làng nghề.
Gắn kết du lịch phát huy giá trị làng nghề
Theo Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh: Khi nghề truyền thống và làng nghề phát triển rất thích hợp để khai thác và phát triển du lịch. Bởi khách du lịch đến làng nghề không chỉ mua sắm, xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm mà còn mong muốn tìm hiểu những giá trị phi vật thể tồn tại hàng nghìn năm.
Vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản phê duyệt “Dự án Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020”. Theo đó, việc nghiên cứu, rà soát các làng nghề, làng nghề truyền thống, lựa chọn và tập trung đầu tư, hỗ trợ để các làng nghề trở thành các điểm du lịch sẽ được triển khai trong giai đoạn này.
Cụ thể dự án sẽ tập trung vào việc phát triển sản xuất hàng các sản phẩm đặc trưng là sản phẩm lưu niệm, quà tặng phục vụ du khách khi đến với Lào Cai: Đồ thủ công mỹ nghệ chế biến từ gỗ, sản xuất hàng mây tre đan, dệt may thổ cẩm, nghề chạm khắc bạc thủ công với những bí quyết mang đậm dấu ấn của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, để du lịch làng nghề thực sự hấp dẫn được du khách, bản thân các làng nghề phải tăng nội lực bằng cách cải tiến chất lượng sản phẩm, chú trọng đến bảo vệ môi trường. Đồng thời, ngành du lịch tại các huyện có làng nghề cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch làng nghề, nâng cao nhận thức của những người trong làng nghề về giá trị của du lịch đem lại cũng như các kiến thức làm du lịch để giúp làng nghề phát triển bền vững.
Đại diện của Hiệp hội du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: phát triển du lịch gắn với làng nghề không chỉ đơn thuần là tổ chức đưa du khách đến tận nơi để tham quan mà cần đưa các sản phẩm làng nghề đến với du khách. Do đó, Lào Cai cần khai thác tối đa lợi thế những điểm dừng chân dọc tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, các điểm dừng chân ngắm cảnh ở các tuyến du lịch cộng đồng; coi đây là một kênh lý tưởng để quảng bá, đưa sản phẩm của nhiều làng nghề trong tỉnh tiếp cận với du khách trong và ngoài nước khi đến với Lào Cai.
Bên cạnh đó, địa phương cần có chính sách đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề, trong đó vai trò của nghệ nhân cũng như cộng đồng cần được phát huy trong việc dạy nghề, truyền nghề tại các làng nghề. Đồng thời cần phân loại những ngành nghề truyền thống có khả năng tồn tại, phát triển và những ngành có nguy cơ mai một, để có chính sách phù hợp; lựa chọn sản phẩm đặc trưng để đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống có sản phẩm xuất khẩu thu ngoại tệ cao.
Thực tế cho thấy việc phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống không chỉ tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn đang dư thừa mà còn nâng cao mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Làng nghề chính là một trong những nguồn tài nguyên du lịch cực kỳ quan trọng; bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, hình thức du lịch làng nghề còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của địa phương, của dân tộc./.
Bài, ảnh: Hồng Min