Năm
Du lịch quốc gia Lào Cai – Tây Bắc 2017 được tổ chức thành công và tạo dấu ấn
sâu sắc, tạo thời cơ, vận hội mới để du lịch Lào Cai phát triển trở thành trọng
điểm du lịch của vùng Tây Bắc.
Lào Cai được biết đến không chỉ là một vùng đất hùng vĩ với nhiều
cảnh quan tươi đẹp như Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát… Thiên nhiên ưu đãi
cho Lào Cai nguồn tiềm năng to lớn về khí hậu, đất đai, khoáng sản, tài nguyên,
đặc biệt là tài nguyên du lịch. Cùng với những lợi thế về giao thông do tuyến
đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoàn thành đưa vào sử dụng; các ngành, các địa
phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ trong thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch
đã góp phần tích cực trong thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và
quốc tế đến Lào Cai.
Liên hoan ẩn thực Tây Bắc 2017 được tổ chức tại
thành phố Lào Cai (từ ngày 20-23/10/2017).
Là địa phương tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi dân tộc
mang nét đặc trưng văn hóa riêng tạo nên một bức tranh văn hóa Lào Cai vô cùng
sinh động và phong phú. Nhận thức được điều đó, Lào Cai chú trọng bảo tồn và
phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống, góp phần hình thành thêm
nhiều sản phẩm du lịch văn hóa ở Lào Cai. Tính đến nay, tỉnh đã bảo tồn, duy
trì 6 lễ hội tiêu biểu các dân tộc. Công tác sưu tầm hiện vật cũng được chú
trọng với hàng trăm hiện vật, chủ yếu là trang phục, các công cụ, dụng cụ của
đồng bào các dân tộc thiểu số để trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Cùng với đó, du lịch gắn với di sản văn hóa tâm linh dọc sông Hồng
cũng đang được chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 36 di tích văn hóa lịch sử, danh
thắng được xếp hạng (17 di tích cấp tỉnh và 19 di tích cấp quốc gia) và 19 di
sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp
quốc gia. Đặc biệt các quần thể di tích lịch sử văn hóa Đền Thượng và di tích
lịch sử văn hóa Đền Bảo Hà đã được trùng tu, nâng cấp, quy hoạch thành những
điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn du khách hành
hương. Các di tích văn hóa lịch sử khác như Khu chạm khắc đá cổ Sa Pa, di tích
kiến trúc nghệ thuật Dinh thự Hoàng A Tưởng… cũng là những điểm đến ngày càng
thu hút đông khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu.
Tận dụng tiềm năng, thế mạnh nổi trội của tỉnh, Lào Cai đã định
hướng xây dựng hệ thống sản phẩm đặc trưng, khác biệt nhằm tạo ra điểm nhấn về
du lịch của vùng Tây Bắc. Du lịch sinh thái là một trong những điểm mạnh của du
lịch Lào Cai với nhiều điểm đến hấp dẫn như khu du lịch núi Hàm Rồng, Thác Bạc,
Cầu Mây, Suối vàng - Thác Tình yêu (Sa Pa); Hồ Na Cồ, khu vực lòng hồ thủy điện
Cốc Ly (Bắc Hà); Dền Sáng, Sảng Ma Sáo, Y Tý (Bát Xát). Du lịch cộng đồng gắn
với văn hóa của các dân tộc được khai thác tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát
Xát, Si Ma Cai, Mường Khương và Bảo Yên, nổi bật là các phiên chợ, lễ hội, làng
du lịch homestay. Du lịch mạo hiểm với chinh phục đỉnh Fansipan, đỉnh Bạch Mộc
Lương Tử (Bát Xát), núi Ba mẹ con (Bắc Hà). Ngoài ra tỉnh đã đầu tư phát triển
một số sản phẩm du lịch độc đáo khác như du lịch chợ phiên; du lịch chuyên đề
về hoa với các tour mùa hoa tam giác mạch, hoa Đỗ quyên, thung lũng hoa Bắc
Hà,...
Mục tiêu đến năm 2020, du lịch Lào Cai phấn đấu đón khoảng 4.5
triệu lượt khách, trong đó 1.5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt khoảng
18.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh việc
triển khai thực hiện các Nghị quyết, chương trình phát triển du lịch, Lào Cai
xây dựng và hoàn thiện quy hoạch xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa, đô thị du
lịch Sa Pa; xây dựng điểm du lịch quốc gia thành phố Lào Cai; xây dựng tổng thể
cụm du lịch Bắc Hà, Bát Xát. Tăng cường phát triển các dòng sản phẩm du lịch
trên cơ sở khai thác tài nguyên tại các địa phương; khai thác các di tích, di
sản và danh thắng và phát triển du lịch tâm linh, du lịch chợ phiên, du lịch
làng bản, cộng đồng.
Hy vọng với sự đầu tư đồng bộ, đúng hướng chú trọng cải thiện môi
trường du lịch, thu hút đầu tư hướng tới mục tiêu lâu dài trở thành là điểm đến
hấp dẫn, là trọng điểm du lịch của vùng Tây Bắc.
Minh Phượng