image banner

Lào Cai 24° - 27°
Kỳ vĩ ruộng bậc thang Sa Pa - Kỳ cuối
Đẹp, bền vững và thân thiện TT - Lời tòa soạn: Ngay sau khi Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài “Kỳ vĩ ruộng bậc thang Sa Pa”, nguyên bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ đã liên lạc với tòa soạn để nêu những ý kiến của mình về việc phát triển ruộng bậc thang

>> Kỳ 1: Ruộng 121 bậc thang
>> Kỳ 2: 100 năm mở ruộng
>> Kỳ 3: “Nghệ nhân” ruộng bậc thang
>> Kỳ 4: Từ Sa Pa ra thế giới

Tòa soạn xin giới thiệu với bạn đọc.

Không chỉ cây lúa

Ông Lê Huy Ngọ -Ảnh: Đ.BÌNH

Thời tôi nghĩ ngợi nhiều về công trình ruộng bậc thang và bắt đầu theo đuổi hình thức canh tác độc đáo này là năm 1968, khi đang làm trưởng Ty Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ. Hồi đó ngành nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh Phú Thọ phát động phong trào “Tiến quân lên đồi, phá xiềng ba sào” (mỗi nhân khẩu chỉ có ba sào đất nông nghiệp) bằng cây sắn và cây chè để góp phần giải quyết vấn đề lương thực cho tỉnh. Vì cứ luẩn quẩn với ba sào đất ấy nông dân sẽ đói ăn, đói mặc là cái chắc.

Nhưng khó khăn nhất của phong trào này là nông dân phải kiên quyết phá bỏ lề lối làm ăn cũ, lạc hậu như đốt rừng làm rẫy bằng cách làm ruộng bậc thang (đối với vùng cao) và nương bậc thang (đối với vùng thấp) để trồng sắn, chè theo kinh nghiệm đã có hàng chục năm của nông dân xã Lâm Vi, huyện Lâm Thao hoặc ở xã Đại An, huyện Thanh Ba (Phú Thọ). K

hó khăn này vừa được giải quyết thì khó khăn khác ập đến ngay. Đó là công đầu tư ban đầu cho nương, ruộng bậc thang khá cao trong lúc người nông dân quá nghèo. Vì thế Phú Thọ phải phát động phong trào này đến ba lần, đến năm 1970 tỉnh Vĩnh Phú (khi đó đã sáp nhập từ hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc) mới thành công với chính sách giao khoán rừng cho hộ gia đình quản lý. Lúc đó nương sắn, nương chè của hợp tác xã mới trở thành ruộng, nương bậc thang của từng hộ gia đình. Chính sách khoán hộ đã mở đường cho hộ sản xuất mạnh dạn dồn sức đầu tư về vốn và công sức cho hình thức canh tác mới là ruộng, nương bậc thang.

Bước đột phá này đã tạo được chiều sâu của phong trào nên bấy giờ nông dân quê tôi vẫn tiếp tục làm theo hướng đó. Thực tế từ Phú Thọ đã giúp tôi (thời làm bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nghĩ đến an ninh lương thực đối với người nông dân vùng cao phải từ một cơ cấu mới. Cơ cấu này không chỉ có cây lúa trên ruộng, nương bậc thang mà phải mở hướng kinh doanh rừng tổng hợp.

Dưới tán rừng cần có thêm cây chè, cây sắn, các loại hoa màu khác và tổ chức chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê, kể cả ngựa. Hồi đó các thành viên trong Chính phủ có hai luồng ý kiến khác nhau về một trong những phương pháp xóa đói giảm nghèo cho nông dân vùng cao. Tôi thấy việc Nhà nước cấp gạo cho dân ăn để hướng dân vào việc giữ và trồng rừng không bền vững bằng biện pháp giúp người dân tự tạo lương thực ổn định tại chỗ cho mình.

Đây là mấu chốt cơ bản nhất đối với người vùng cao. Khi đời sống không còn bấp bênh nay no mai đói thì họ tự khắc xóa bỏ tập tục du canh du cư bằng cuộc sống định canh, định cư ổn định. Vì lẽ đó, tôi đã đề xuất với Chính phủ về chủ trương đầu tư cho một hộ nông dân 5-10 triệu đồng/ha nếu hộ đó đăng ký làm ruộng, nương bậc thang để trồng lúa hoặc trồng chè. Rất mừng chủ trương này được thực hiện tại tất cả các tỉnh miền núi phía Bắc từ năm 1997. Cho đến bây giờ tôi vẫn khẳng định vấn đề quan trọng của việc trồng lúa, chè, hoa màu trên nương, ruộng bậc thang không chỉ tạo được sự bền vững về kinh tế mà còn đảm bảo sự bền vững của sinh thái, môi trường miền núi và ngược lại.

Đập lúa ở ruộng bậc thang Sa Pa-Ảnh: Hồng Thảo

Một số tỉnh ở vùng Bắc Trung bộ cũng có người Mông sinh sống nhưng vì sao vẫn tồn tại tập tục đốt rừng làm rẫy mà không thấy xuất hiện ruộng bậc thang? Tôi nghĩ có lẽ tầng đất của những vùng đồi núi này không ổn định, đặc biệt nguồn sinh thủy hiếm hoi. Đây là hai yếu tố cơ bản để có thể làm ruộng bậc thang. Thường những vùng đất như vậy sẽ phải tìm cách để trồng rừng thay vì những thửa ruộng bậc thang như ở Sa Pa.

Cần có một công trình khoa học

Tôi nghĩ quy trình làm ruộng bậc thang của tộc người Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì…là một sáng kiến kỳ lạ của nông dân vùng cao để nhờ đó họ sống thân thiện với thiên nhiên. Bằng những thửa ruộng bậc thang hiện hữu, các tộc người vùng cao cho thấy họ không ngồi một chỗ để chờ an ninh lương thực của Nhà nước mà chính họ đang góp phần làm ổn định an ninh lương thực cho từng gia đình, cộng đồng và xã hội.

Thử suy ngẫm về thực tế “muốn có an ninh lương thực thì người dân làm ra lương thực phải được an ninh” mới thấy ý nghĩa sâu sắc của những hạt lúa chín lên từ ruộng bậc thang. Đây thật sự là vấn đề kinh tế không nhỏ của vùng cao. Thú thật, mỗi khi ngắm nhìn ruộng bậc thang ở Sa Pa, tôi cứ nghĩ chủ nhân của nó vừa là nghệ nhân, vừa là nghệ sĩ, vừa là kiến trúc sư vì cùng một lúc họ giải quyết ba khâu: phương pháp lấy nước từ xa, mẹo làm ruộng, thiết kế quy trình sản xuất và vận chuyển lúa sau thu hoạch.

Một lý do khác khiến tôi theo đuổi hình thức canh tác đặc biệt này là bởi ruộng bậc thang còn là câu chuyện về văn hóa lúa nước mang sắc thái rất riêng của các tộc người vùng cao. Quần thể ruộng bậc thang còn chứng minh không chỉ riêng người Kinh mới có văn minh lúa nước mà những tộc người vùng cao cũng làm lúa nước rất tài giỏi. Nếu hiểu họ đã trải qua cuộc sống va đập, cọ xát giữa vùng khí hậu khắc nghiệt, thiên tai nặng nề thì sẽ biết họ đã phải tìm cách tự vượt lên, phải chịu khó lắm mới làm được ruộng bậc thang khi chưa có một hình mẫu, một chủ trương, chính sách nào.

Cách nay hơn trăm năm và ngay cả bây giờ, trong tay họ không có một loại thiết bị đo đạc, máy móc dù thô sơ nhất, chỉ có cái cuốc con gà, cuốc bướm và xà beng, rựa, cày, bừa rất dân gian, nhưng từng thế hệ nối tiếp vẫn biết cách tạo sinh thủy từ khe suối, tích nước từ những cơn mưa rồi dẫn dòng nước theo mương máng quanh co chảy về biến những sườn núi dốc cheo leo thành ruộng bậc thang kỳ vĩ.

Nếu nông dân các tỉnh đồng bằng Nam bộ gắn bó một đời với hệ thống kênh, rạch; nông dân đồng bằng Bắc bộ dựa vào ưu thế của đê sông Hồng thì ở Tây Bắc ruộng bậc thang được xem là mặt mạnh của các tộc người vùng cao. Đó là ba trạng thái nổi bật của bản đồ nông nghiệp VN. Trong đó ruộng bậc thang là một công trình mang ba đặc tính: đẹp, bền vững và thân thiện với thiên nhiên. Đã đến lúc các nhà làm kinh tế nông nghiệp cần tập trung đánh giá để đúc kết một công trình khoa học về ruộng bậc thang cổ và mới.

LÊ HUY NGỌ
(nguyên bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn)






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập