21/02/2013
Du lịch “miền cổ tích”
Từng đến huyện Văn Bàn công tác nhiều lần, nhưng chưa lần nào tôi có cơ hội khám phá vùng đất này vào tiết sang xuân. Thật bất ngờ, khi cả đoàn men theo chân núi Tam Đỉnh sừng sững canh giữ một vùng mỏ sắt Quý Xa, vượt dốc Cổng Trời phóng tầm mắt bao quát thị trấn Khánh Yên đẹp tựa bức thêu đậm sắc màu. Trong nắng xuân tươi, hoa cải rực vàng, hoa đào phơn phớt hồng, hoa mận trắng tinh khôi đua nhau khoe sắc, cánh hoa mỏng mảnh, nụ hoa e ấp, sương long lanh điểm tô cho vẻ đẹp thuần khiết, dịu dàng vùng đất từng được mệnh danh “miền cổ tích”.
Văn Bàn hội đủ những điều kiện cho du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh mang lại những kỷ niệm khó quên cho du khách. Khúc dạo đầu của chuyến đi là được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của đỉnh núi Gia Lan cao vời ẩn hiện trong làn sương sớm mong manh. Khánh Yên Thượng nằm khiêm nhường dưới chân núi như nét nhấn trong bức tranh tổng thể của vùng đất Văn Bàn. Một chút ngỡ ngàng, háo hức với đoàn khách chúng tôi khi bắt gặp ở đây hình ảnh quá đỗi thân quen của lũy tre xanh và những tán cọ “xòe ô che nắng”. Nét quê vùng trung du đã đan xen hòa quyện cùng vẻ đẹp bình dị, đằm thắm của mái nhà sàn truyền thống và trang phục nền nã, duyên dáng của thiếu nữ Tày rảo bước trên đường làng. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là nụ cười đón khách, lời chào thân thiện cởi mở và ấm tình của người dân. Thăm di tích lịch sử cách mạng “Khu du kích Gia Lan” từng ghi đậm chiến công của du kích Văn Bàn đánh Pháp, giải phóng quê hương càng thêm hiểu thông điệp về câu chuyện huyền thoại bức tượng đá thiên nhiên “bà bế cháu” ngóng trông ông cha đi đánh giặc mang chiến thắng ngày về…
Nằm giữa dãy núi Hoàng Liên Sơn phía Tây Bắc và dãy con Voi phía Đông Nam cùng ven sông Hồng và nhiều con suối thơ mộng, như ngòi Nhù, ngòi Chăn, Nậm Tha, Nậm Mả… cấu tạo địa chất đã hình thành những hang động qua quá trình phong hóa, thủy hóa hàng triệu năm, như Thẳm Dương, Thẳm Sáng. Ngược theo dòng suối sẽ thấy hàng ngàn viên đá, tảng đá muôn hình vạn dạng nằm la liệt trên triền suối. Đặt chân đến Liêm Phú, Nậm Xây, Nậm Xé thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, bầu không khí trong lành và dáng vẻ hoang sơ hiện ra trước mắt với thảm thực vật, động vật phong phú, nhiều loại gỗ quý như pơ mu, đinh, dổi, thú hiếm, chim, bò sát lưỡng cư, đó là những kho bảo tồn về sinh học vô cùng hấp dẫn. Rồi được ngắm dòng thác Bay dưới nắng xuân tung bọt trắng xóa tạo nên muôn sắc cầu vồng kỳ ảo.
Văn Bàn còn là vùng không gian văn hóa với những di tích lịch sử có giá trị gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đến với đền Ken thuộc xã Chiềng Ken tọa lạc trên đỉnh đồi cao 183,7 mét so với mực nước biển, du khách sẽ ngạc nhiên khi bắt gặp những cây đại thụ cao vút tỏa tán mướt xanh xuống ngôi đền uy nghiêm, trầm mặc. Khu di tích thờ tướng Nguyễn Hoàng Long, người có nhiều công lao cùng thuộc hạ dòng họ Nguyễn ở thế kỷ XVIII đánh đuổi giặc ngoại xâm, khai khẩn đất hoang, lập làng yên dân. Nằm bên tả ngạn sông Hồng, đền Cô thuộc xã Tân An thờ công chúa Nguyễn Hoàng Bà Xa, người đã sát cánh cùng cha là tướng Hoàng Bảy triều Hậu Lê 1740 - 1786 đánh giặc bảo vệ miền biên viễn… Địa bàn nơi đây còn lưu giữ kho tàng những giá trị văn hóa phi vật thể giàu tính nhân văn đậm đà bản sắc dân tộc với những phong tục tập quán và lễ hội hấp dẫn, như hội Lồng tồng, hội chơi hang vào các ngày 5 - 8 tháng Giêng cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và thổ lộ tình yêu đôi lứa. Hội đền Ken, đền Cô diễn ra vào các ngày 7 và 17 tháng Giêng để tưởng nhớ tổ tiên, khắc ghi cội nguồn dân tộc. Nếu có dịp được tham dự những lễ hội này, du khách sẽ được đắm mình qua các cuộc vui nồng nàn, ý vị và đậm đà bản sắc để tạm quên đi những ưu phiền, tục lụy...
May mắn được dự đêm giao lưu văn nghệ “Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới” ở miền đất nổi tiếng qua câu thơ của thi sỹ Tản Đà “Hôm qua còn ở Dương Quỳ/ Trắng phau ngựa trắng, xanh rì rừng xanh”, lại được thưởng thức những món ăn đặc sản cá suối lam ống nứa, thịt trâu sấy, thịt lợn cắp nách chấm lá nhội giã nhỏ trộn muối, hạt dổi, canh chua với măng sặt xào cùng chén rượu Nậm Cần nồng nàn mà dân bản mang ra đãi khách. Chương trình khá đa dạng có cả phần trình bày ca khúc hiện đại, dân ca, độc tấu nhạc cụ dân tộc, đặc biệt sôi động vẫn là vòng xòe của các cô gái Tày với bước chân mềm mại, uyển chuyển theo nhịp tính tẩu. Trên tay họ là những bông hoa trắng nở bung tươi tắn với nụ cười rạng rỡ trên môi.
Mang theo nụ cười hoa ấy đi vào giấc ngủ trên tấm đệm êm nhồi bông lau trong ngôi nhà sàn ấm lửa còn vẳng đâu đây giọng hát trong vắt như nước suối nguồn: “Ai đi đâu về đâu/ dẫu có cách xa bao lâu/ xin đừng quên miền đất này/ đẹp tình người lắm lắm đấy…” lãng mạn và chân thật quá, có lẽ sức hấp dẫn của du lịch “miền cổ tích” là ở tình người, là những bài ca đậm chất then như thế./.