LCĐT - Nghe một đồng nghiệp thông tin du khách đến Bản Hồ (Sa Pa) tăng trở lại, chúng tôi khấp khởi lên đường để tận mắt chứng kiến “điều kỳ diệu” nào đã mang khách du lịch đến đây, sau khi 3 nhà máy thủy điện “mọc lên” san sát tại khu vực này đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.
Nhiều homestay đóng cửa
Những năm 2000, du lịch Bản Hồ phát triển mạnh, nơi đây trở thành điểm đến không thể bỏ qua của nhiều du khách quốc tế, các công ty du lịch, hãng lữ hành cũng luôn chọn Bản Hồ để đưa khách đến tham quan. Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hồ Lý Láo Tả cho biết: Thời điểm đó Bản Hồ có gần 30 homestay, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của khách du lịch.
Khi đó, những người làm du lịch đánh giá du lịch cộng đồng ở Bản Hồ có tiềm năng lớn nhất ở khu vực hạ huyện Sa Pa, bởi phong cảnh nguyên sơ và nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Nhưng nay mọi chuyện đã lùi vào quá khứ.
 |
Homestay vắng khách. |
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hồ Lý Láo Tả liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng ù ù như cối xay gió phát ra từ các nhà máy thủy điện. Hiện, trên địa bàn xã có 2 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động là Sử Pán 2 và Séo Chung Hô, 1 nhà máy đang chuẩn bị vận hành là Nậm Toóng, bên cạnh đó, nhà máy thủy điện Sử Pán 1 cũng đang trong quá trình thi công.
Ông Tả cho biết, cũng chính tiếng ồn từ những nhà máy này mà nhiều du khách đến Bản Hồ ít khi nghỉ lại vì chẳng thể chợp mắt được. Không chỉ làm mất đi sự bình yên vốn có của bản, làng vùng cao, quá trình thi công và hoạt động của các nhà máy thủy điện còn phá vỡ cảnh quan du lịch nơi đây. Sườn núi sạt lở khi đơn vị thi công mở đường công vụ, suối Mường Hoa giờ ngổn ngang đất, đá.
Thiệt hại cho du lịch địa phương có thể nhìn thấy ngay ở sự sụt giảm du khách. Anh Lồ A Quỳnh, thôn Bản Dền, một trong những người còn gắn bó với dịch vụ homestay, cho biết: Năm 2016, du khách đã bắt đầu quay trở lại Bản Hồ, nhưng cũng chẳng đáng là bao so với trước kia. Gia đình anh sẵn có mối quan hệ với một số đơn vị kinh doanh du lịch, nên việc đón khách đến ăn nghỉ khá thuận lợi, nhưng cũng chỉ được vài lượt khách mỗi tuần.
Theo thống kê của UBND xã Bản Hồ, từ đầu năm đến nay, Bản Hồ mới đón được khoảng 100 lượt khách. Du khách quay lưng, nên nhiều hộ không còn mặn mà kinh doanh dịch vụ homestay, mà đóng cửa đi làm thuê. Hiện, trên địa bàn xã chỉ còn 6 hộ kinh doanh dịch vụ này. Ban Quản lý du lịch cộng đồng xã Bản Hồ trước đây hoạt động quy củ, huy động được nguồn thu đáng kể từ sự đóng góp của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, nhưng nay cũng dừng hoạt động.
Không còn trong bản đồ du lịch
Chị Đào Thị Tem nhà ở ven đường dẫn vào thác La Ve. Tận dụng căn nhà mình có hướng nhìn đẹp, lại tiện hành trình vào thăm thác, nên chị đã vay mượn tiền xây dựng căn nhà khang trang để đón khách và phục vụ nhu cầu tắm lá thuốc truyền thống của người Dao. Nhưng sự tính toán của chị không bằng “thủy điện tính”, bởi chỉ nay mai thôi, Nhà máy Thủy điện Nậm Toóng đi vào hoạt động sẽ gom nước từ đầu nguồn dòng thác này.
 |
Du khách thất vọng bởi cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ. |
Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hồ Lý Láo Tả buồn rầu nói: Trước đây, Nhà máy Thủy điện Sử Pán 2 đã làm mất đi suối nước nóng, giờ Nhà máy Thủy điện Nậm Toóng lại làm hỏng thác nước nữa, thì du lịch Bản Hồ gần như chẳng còn thắng cảnh để khách tham quan.
Chị Vàng Thị So, người nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch cho biết: Trước đây, nhiều du khách sẵn sàng đi bộ vài cây số dạo bước tham quan bản, làng, chụp ảnh bên suối Mường Hoa, thác La Ve và nghỉ qua đêm để cảm nhận cuộc sống của đồng bào nơi đây, nhưng nay nhiều đoàn khách chỉ đứng trên đầu dốc nhìn xuống một lát rồi quay đi. “Cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ, những thắng cảnh cũng dần biến mất, tôi không còn biết giới thiệu gì cho du khách khi đến đây nữa” - chị So nói.
Trên đường từ Bản Hồ ra Tả Van, chúng tôi gặp đoàn khách người Pháp đang khoanh vào tấm bản đồ Sa Pa đánh dấu những điểm du lịch trong hành trình khám phá của mình và không biết do ngẫu nhiên hay đã tìm hiểu trước mà địa danh Bản Hồ không nằm trong lựa chọn của họ.
MẠNH DŨNG