image banner

Lào Cai 24° - 27°
Đèo Mây
Từ Lào Cai đi Lai Châu phải qua đèo Ô Quy Hồ, hay còn gọi là đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ.

Đây là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía Bắc. Dưới chân đèo là Thác Bạc, một trong 10 thác nước đẹp nhất Lào Cai, luôn được giới trẻ tìm đến khám phá. Vẻ đẹp của đường đèo Mây từ lâu đã là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Tuân, Nguyễn Thành Long, Ma Văn Kháng, Lò Ngân Sủn… trong đó có truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” rất nổi tiếng của Nguyễn Thành Long. Nhà văn Nguyễn Thành Long thân với bố tôi, họ rất giống nhau là sống khép kín, âm thầm, không ồn ã ngay cả trong mỗi tác phẩm của mình.

Tôi đã từng đi qua rất nhiều đèo của 3 miền đất nước, nhưng lần này được đi qua đèo Ô Quy Hồ, con đèo có thể nói dài nhất nước (gần 50km), một bên là vực sâu hun hút, phía còn lại là vách đá dựng đứng, nhất là đi giữa biển mây, rất thú vị. Mặc dù là mình đã già, chẳng bi quan, cũng không ảo tưởng, ấy thế mà mỗi lần cua gắt, cô bạn ngồi cạnh ngả sang, một chút ấm áp giữa tiết trời lạnh giá Tây Bắc, cũng rất lạ. Chắc cũng giống tôi, rời được phố phường, bỏ đi những bước chân hấp tấp và đầy âu lo, lại được đi trên mây, núi đồi, thung lũng, bản làng chìm trong mây mù, mắt cô mơ màng lắm. Khi gần lên đỉnh đèo, tôi thì thầm, trong “Lặng lẽ Sa Pa”, có anh chàng làm công tác khí tượng, sống một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, mới lên chưa quen, “thèm” người quá nên nghĩ ra kế, lấy một khúc thân cây chắn ngang đường, xe đi qua phải dừng lại, để được gặp khách, nói chuyện một lát cho đỡ cô đơn! Cô đòi xuống chụp hình, tôi bảo: “Sang bên kia đèo, qua địa phận Lai Châu nắng đẹp, chứ ở đây nhìn sát cũng chả rõ mặt”. Mới sang bên kia đèo một chút, khung cảnh trở nên tươi mới lạ lùng, nắng tràn trên triền núi. Chụp ảnh chán chê, tôi rủ cô ngồi ngắm cảnh trên tảng đá, chỉ vào triền đất bằng phẳng, hoa dại mọc bạt ngàn, tôi khẽ khàng: “Anh em mình về đây xây dựng nông thôn mới đi, dựng ngôi nhà đơn sơ, rồi có thêm cậu con trai nữa”. Cô cười: “Thế còn điện, đường, trường, trạm thì sao?”. Tôi trả lời một hồi, điện có môtơ đặt ở khe suối, chỉ cần 2 bóng cháy le lói là đủ. Còn nước, hứng trên mái”. Cô cười: “Cái anh này, mái lợp fibro ximăng nghe nói cũng hại lắm”. Nghĩ một lúc, tôi dõng dạc: “Có cách, dùng lưới để thu sương, chắt nước từ trời, lo gì”. Còn 2 tiêu chí sau, tôi bí quá, nên nói bừa: “Con mình như trẻ con người Mông, học thổi khèn, thổi sáo, leo núi giỏi như đi đường bằng, còn ốm thì có anh “Min-xờ cờ”, thế ổn chưa”.

Mặt trời đang buông dần sau lưng núi, mảnh đất định dựng nhà “nông thôn mới” tối rất nhanh, khung cảnh thật u buồn, tĩnh lặng. Thấy mặt cô bất chợt nhìn đi xa lắm, chắc căn bệnh “nhớ nhà, nhớ phố” lại xuất hiện. Bỗng đâu đó, trên con đèo hoang vắng này, có tiếng chim kêu tìm bạn nghe sao mà da diết, xót xa. Thôi chết, tiếng kêu ô quy hồ của loài chim như báo tin sẽ có lứa đôi nhất định phải chia lìa…

Theo Báo Lao động





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập