Lào Cai 25° - 26°
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao tạo nguồn lực phát triển du lịch

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quan hệ đối ngoại về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Lào Cai với quốc tế ngày càng được quan tâm tăng cường và toàn diện. Góp phần vào những thành công chung trong công tác đối ngoại của tỉnh, hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch đã được triển khai rất tích cực và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo động lực mạnh mẽ để hỗ trợ cho du lịch phát triển, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

 

Đến hết năm 2019, du lịch Lào Cai đã đón trên 5,1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm trên 800 nghìn lượt, chủ yếu đến từ các nước Bắc Á (như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…), Đông Nam Á (Thái Lan, Malaisya…), Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Canada, Úc… Với những lợi thế từ nguồn tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa phong phú, đặc sắc, có Khu du lịch quốc gia Sa Pa luôn nằm trong top những điểm đến ấn tượng của du khách trong và ngoài nước, du lịch Lào Cai có nhiều ưu thế trong việc thu hút các thị trường khách du lịch nước ngoài như khách đến từ các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ…

Trong những năm qua, đầu tư cho du lịch của tỉnh đã được ưu tiên tập trung với việc nâng cấp hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng sản phẩm du lịch. Trong những nỗ lực chung để tập trung cho phát triển du lịch xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, hợp tác quốc tế về du lịch cũng đóng vai trò quan trọng để tăng cường hội nhập, mở rộng kết nối và thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất. Các hoạt động hợp tác đa phương, song phương về văn hóa, thể thao, du lịch như hợp tác trên tuyến Hành lang Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh, hợp tác trong Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh của Việt Nam có biên giới với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), hợp tác với thành phố Luang Prabang – Lào, Chiềng Mai – Thái Lan, đặc biệt là hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) đã tạo nên sự đa dạng hóa hợp tác quốc tế để phát triển du lịch. 

Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác về văn hóa, thể thao, du lịch của Lào Cai với tỉnh Vân Nam và vùng Nouvelle Aquitaine đã hình thành nên một số sản phẩm du lịch đặc biệt. Lào Cai và Vân Nam đã đưa vào khai thác thử nghiệm tour du lịch kiểu mẫu “2 quốc gia, 6 điểm đến”, tuyến vận tải hành khách du lịch không định kỳ Cá Cựu – Hà Khẩu – TP Lào Cai – Sa Pa. Từ năm 2017, luôn phiên tổ chức giải đua xe đạp “Một vòng đua hai quốc gia” thu hút hàng trăm người tham gia từ các tỉnh, thành phố của Việt Nam và Trung Quốc. Lào Cai và Châu Hồng Hà cũng đang khởi động dự án phối hợp khảo sát, xây dựng tour du lịch theo tuyến đường sắt Điền Việt cũng như nghiên cứu hợp tác xây dựng hồ sơ di sản thế giới giữa ba nước Việt Nam – Trung Quốc – Pháp đối với tuyến đường sắt Điền Việt, xây dựng tour du lịch “Địa chỉ đỏ” kết nối những địa điểm nơi Bác Hồ đã từng sống và hoạt động tại Vân Nam. Về phía vùng Nouvelle Aquitaine đã hỗ trợ Lào Cai nhiều nội dung để xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó phải kể đến việc chuyển giao và hỗ trợ xây dựng các Nhà du lịch Sa Pa, Bắc Hà, TP Lào Cai theo mô hình Nhà du lịch Arcachon (Bordeaux) đồng thời với việc hỗ trợ đào tạo cán bộ vận hành, đào tạo tiếng Pháp cho lao động tham gia hoạt động du lịch (đến nay đã đào tạo tiếng Pháp cho gần 400 học viên; cử 10 cán bộ làm văn hóa, du lịch sang Pháp đào tạo và đón hàng chục đoàn chuyên gia, nghiên cứu sinh, tình nguyện viên Pháp sang Lào Cai). Nhà du lịch Sa Pa xây dựng thành Trung tâm thông tin du lịch gắn với trung tâm diễn giải, "trái tim xanh" nơi lưu giữ, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc Lào Cai sẽ là điểm nhấn quan trọng, là sản phẩm hợp tác chứa đựng nhiều tâm huyết của các chuyên gia đến từ Pháp. Bảo tàng tỉnh cũng đang trong giai đoạn đầu tư để xây dựng trở thành một điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn với những tư vấn về ý tưởng thiết kế, trưng bày của các chuyên gia Pháp. Nhiều sản phẩm du lịch từ hợp tác quốc tế khác đã và đang được khai thác, định hình thương hiệu, thu hút khách du lịch đến với Lào Cai như các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm trong khu vực vườn quốc gia Hoàng Liên, giải maraton vượt núi quốc tế VMM – Sa Pa, các sản phẩm du lịch trải nghiệm sông Chảy và leo núi tại Bắc Hà…

Các hoạt động hợp tác quốc tế cũng mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Lào Cai đến với du khách quốc tế. Từ năm 2005 Lào Cai và châu Hồng Hà phối hợp tổ chức “Diễn đàn quốc tế phát triển lưu vực sông Hồng”; thư viện hai bên mỗi năm trao tặng trên 200 cuốn sách giới thiệu văn hóa, lịch sử, du lịch và xây dựng “Cửa sổ nhìn ra nước bạn” cùng với phòng đọc sách tiếng Việt, tiếng Trung ở mỗi bên; hội chợ thương mại quốc tế Việt – Trung; các hội nghị Hành lang kinh tế, Nhóm công tác liên hợp; chương trình hội nghị phi tập trung Pháp – Việt năm 2018 tại Toulouse (Pháp); các hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật; Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Sa Pa… đều là những hoạt động hỗ trợ tích cực cho việc quảng bá, giới thiệu văn hóa, hình ảnh du lịch Lào Cai. Giữa Lào Cai và châu Hồng Hà, huyện Hà Khẩu đã tổ chức chương trình quảng bá du lịch “Hai quốc gia, một điểm đến”. Lào Cai trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa dân tộc Mông tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Larochelle (Pháp).

Qua các hoạt động hợp tác quốc tế, nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách trong hoạt động du lịch cũng đã được phối hợp giải quyết, tạo điều kiện cho khách du lịch có thể thuận lợi tham gia du lịch. Đặc biệt đối với Lào Cai và Vân Nam có chung cặp cửa khẩu quốc tế, giữa hai địa phương và giữa các cơ quan chức năng của hai địa phương đã tổ chức nhiều cuộc hội đàm, ký các biên bản thống nhất giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền của hai nước giải quyết nhiều nội dung như cơ chế về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu, cơ chế phối hợp thu hút khách du lịch quốc tịch nước thứ ba đến Lào Cai và Vân Nam, cơ chế vận tải hành khách du lịch qua biên giới hai nước, cơ chế hợp tác du lịch trong Hành lang kinh tế…

Bên cạnh các hoạt động hợp tác trọng tâm với Vân Nam và vùng Nouvelle Aquitain, Lào Cai cũng đã và đang hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, dự án quốc tế khác để thúc đẩy các hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực như Luang phrabang (Lào), tỉnh Brest (Belarus), tổ chức COIKA, UNESCO, JICA, dự án GREAT…Trong bối cảnh đại dịch Covid đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam thì các hoạt động hợp tác quốc tế cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là du lịch. Ngành du lịch Lào Cai đã và đang thực hiện nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa, đồng thời tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng khởi động lại các hoạt động du lịch quốc tế khi dịch bệnh được khống chế.

Không chỉ góp phần phát huy nội lực của ngành du lịch, thu hút ngoại lực hỗ trợ cho phát triển du lịch, hợp tác quốc tế còn đóng vai trò quan trọng nâng cao sức mạnh liên ngành, phát huy các giá trị của ngoại giao văn hóa đối với phát triển du lịch và tăng cường năng lực cạnh tranh của du lịch Lào Cai. Cùng với những nguồn lực đầu tư của tỉnh cho du lịch, hoạt động hợp tác quốc tế sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào hội nhập, chủ động tìm kiếm các cơ hội phát triển cho ngành du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp quốc tế, xúc tiến các thị trường trọng điểm, để du lịch Lào Cai tiếp tục phát triển bền vững, đạt mục tiêu tăng trưởng, đáp ứng kỳ vọng trở thành ngành kinh tế đột phá của tỉnh trong giai đoạn tới.

Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

 






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập