image banner

Lào Cai 24° - 26°
Đám cưới người Dao Đỏ trên Tả Van xanh
Từ Sa Pa, xuôi theo con đường mòn uốn lượn trên lưng chừng núi khoảng 10km, Tả Van nằm gọn trong thung lũng Mường Hoa xinh đẹp dưới chân núi Hoàng Liên Sơn. Tả Van những ngày cuối năm xanh mướt và bình dị! Màu xanh của ngô và lúa non bao phủ trên những thửa ruộng bậc thang mầu mỡ. Màu xanh của lá rừng, của những vạt tre bên đường. Chúng tôi đã là những vị khách không mời trong đám cưới của hai thanh niên dân tộc Dao, Chảo Lùng Vạn và Tần Thị Chẩy. Với người Dao, dù người lạ, nếu vào dự đám cưới đều là khách quý và được đón tiếp rất nồng hậu.

Trời chập choạng tối, ngày mai mới tổ chức cỗ cưới chính, nhưng đêm nay là đêm vui nhất trong lễ cưới của người Dao. Già làng Tẩn Vần Phấu hỉ hả: “ở đây suốt đêm với người Dao đi, nghe hát, uống rượu vui lắm!” xen lẫn tiếng cười sảng khoái của cụ Phấu, tiếng khèn và tiếng hát văng vẳng ngoài hiên. Một đôi trai gái đang cất lời tình tự qua điệu Páo rung (điệu hát giao duyên của người Dao) – chìm trong khoảng không mênh mông của đêm rừng Tây Bắc:

-                                  “Khi em gặp anh, em nghĩ rằng mình đã có duyên gặp nhau. Điều may mắn nhất của em là được cùng anh hát điệu giao duyên. Và em thấy lòng mình bình yên…!”

-                                  “Nghe em hát, anh cảm thấy rằng em đã yêu anh. Khi em về rồi, anh sẽ luôn nghĩ đến bài hát của chúng mình. Anh sẽ buồn lòng rất nhiều vì nhớ em!

Xưa nay, người Dao chinh phục trái tim nhau bằng sự tài tình đối đáp và sự chân thành qua lời hát Páo dung. Chú rể Chảo Lùng Vạn, 19 tuổi người Tả Van, hai năm trước trong một đám cưới bên xã Tả Phìn cũng đã làm siêu lòng cô gái Tần Thị Chẩy, 18 tuổi, bằng điệu hát tha thiết như thế…

Ngà ngà men rượi, già làng Tẩn Vần Phấu rủ rỉ kẻ chuyện: “ Ngày xưa, đám cưới người Dao Đỏ dềnh dang tốn kém, nay thì chỉ làm trong hai ngày. Theo lệ của người Dao Đỏ, nhà Vạn ( chú rể Chảo Lùng Vạn) phải cử người sang nhà gái đưa một đôi vòng tay bằng bạc trắng. Lần đầu, nhà gái trả lại (cũng theo tục lệ). Nhà trai tiếp đi hỏi lần thứ hai, sau ba ngày, không thấy nhà gái trả lời lại, lúc ấy nhà Vạn mới chọn ngày tốt, mang theo một con gà, một lít rượu sang nhà gái ở Tả Phìn. Lúc ấy, hai ben gia đình mới bàn bạc thống nhất và định ngày ăn hỏi. Và đám cưới diễn ra ở nhà trai”.

Sau lễ ăn hỏi chính thức, cô dâu tương lai dành hẳn một năm để dệt, may, thêu hai bộ quần áo cưới từ số vải và chỉ thêu do nhà trai đưa tới trong lễ ăn hỏi chính thức. Nổi bật nhất trong đám cưới của người Dao là trang phục của cô dâu với chiếc khăn đỏ lớn chùm đầu, bên trên chiếc mũ đỏ màu cờ, đính nhiều nụ hoa tết từ len đỏ,cài xen những lắc nhạc đồng. Mũ áo của cô dâu người Dao đỏ là một tác phẩm độc đáo của sắc màu, nó thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm truyền thống…

Đêm khuya lắm, cụ Phấu vẫn rì rầm kể những chuyện ngày xửa ngày xưa. Góc nhà, vẫn cứ rót rượu chén tửu nâng lên lời tâm tình gửi lại…

Tảng sáng hôm sau, khi những giọt sương vẫn còn đọng trên ngọn cỏ, sự yên tĩnh vốn có của núi rừng bị đánh thức bởi âm thanh náo nhiệt của kèn pí lé, thanh la, chiêng trống…Đoàn nhà trai gồm ông mối, các chàng trai, cô gái sang nhà gái rước dâu từ rất sớm. Người Dao quan niệm – mọi điều tốt đẹp nhất đều bắt đầu ngay từ buổi sớm mai, khi mặt trời con chưa thức giấc. Cô dâu Tần Thị Chẩy khăn chùm kín mặt khăn và áo thêu những đường nét hoa văn dân tộc dao đời mới. cạnh cô là một phù dâu cầm ô che và một ông mối dẫn đường. Thấy tôi băn khoăn khi không thấy chu rể bên cạnh cô dâu như các đám cưới dưới xuôi, già làng Phấu giải thích: “Theo phong tục, chú rể không được ra đón, không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi thực hiện xong các nghi lễ tạ tổ tiên”. Người dao cho rằng làm như vậy mới tránh được nhiều điều rủi ro, cô dâu, chú rể mới hạnh phúc trăm năm…

Trong nhà chú rể bây giờ đã treo kín những bức trướng màu đỏ có ghi những chữ chúc phúc cho cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc. Bàn thờ tổ tiên người dao được bày sẵn 12 đôi đũa, 12 bát, 12 chén rượu. Chú rể Chảo Lùng Vạn dắt cô dâu Tần Thị Chẩy bái lậy tổ tiên  ba lần. Sau đó, cô dâu được đưa vào một nơi kín đáo, chờ đến giờ tốt mới ra chào quan khách. Sau các thủ tục cần thiết, ngoài sân, rượu được mang ra, rót đầy tràn cát bát. Đó là lễ uống rượu nhập tổ, tạ ơn những người bà con họ hàng đến giúp đám cưới. Ngoài sân, những đôi trai gái xúng xính quần áo đẹp lại tiếp tục đắm say trong điệu  giao duyên…

                                          

                                                            Ảnh và bài: Ngân Lượng






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập