Từ dòng chảy hẹp, sông Hồng bỗng mở ra một vùng không gian khoáng đạt với màu xanh tươi tốt thanh bình của cây cối, một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, một vùng dân cư đang đổi thay trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đó là thị tứ Bảo Hà.
 |
Cầu Bảo Hà vươn qua sông Hồng. |
"Cọp Bảo Hà - ma Trái Hút" - câu cửa miệng trong dân gian đã cho thấy sự u ám, hoang lạnh một thời của vùng đất Bảo Hà. Nhưng nhìn về chiều sâu lịch sử, thì đây là vùng đất tập trung dân cư và buôn bán sầm uất từ rất lâu đời. Người Kinh, người Tày, người Dao quần cư trên vùng đất Bảo Hà tả ngạn (thuộc huyện Bảo Yên) và Tân An hữu ngạn (thuộc huyện Văn Bàn) bởi thổ nhưỡng và địa thế tốt lành. Thổ nhưỡng Bảo Hà cho phép canh tác nông nghiệp với lúa, ngô, cây ăn quả đạt năng suất cao. Bên dòng sông Hồng, nghề chài lưới, nghề thủ công và vận tải được phát triển, bởi giao thương trên tuyến sông Hồng là hoạt động đã thành hình từ rất nhiều thế kỷ, trong đó, Bảo Hà là một điểm dừng chân, một mắt xích trong trục kinh tế động lực sông Hồng theo cách gọi ngày nay. Bảo Hà là miền đất cửa ngõ phía Nam của Lào Cai tiếp giáp với tỉnh Yên Bái. Về phía Bắc, Bảo Hà cách Phố Lu - trung tâm huyện Bảo Thắng 25 km, còn xuôi về phía Nam 5 km là điểm phân giới với tỉnh Yên Bái. Vị trí của Bảo Hà là đầu mối giao thông, án ngữ các tuyến đường: Đường bộ (Quốc lộ 279) chạy vắt ngang từ Đông sang Tây, đường sắt Hà Nội - Lào Cai và đường thuỷ nội địa (sông Hồng) theo hướng Bắc Nam. Là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả một vùng phía Nam Lào Cai theo tuyến sông Hồng và đường sắt.
Người Bảo Hà quần tụ sinh cơ, có các dân tộc anh em Kinh, Tày, Dao, Mông kết đoàn, gắn bó từ nhiều thế hệ, với truyền thống cần cù, chịu khó, sáng tạo. Trong những năm gần đây, điều kiện giao thương ngày càng thuận lợi, kinh tế - xã hội được quan tâm mở mang nên dân cư ở khu vực trung tâm xã phát triển mạnh về thương mại và dịch vụ.
 |
Địa linh Bảo Hà. |
Về vùng địa linh này, xin đừng quên một danh thắng gắn với triền văn hóa sông Hồng đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đó là đền Bảo Hà. Tọa lạc ngay bên bờ sông Hồng, đền là biểu tượng của tâm linh nhân dân hướng về đức độ, trí dũng và công lao của danh tướng triều đình. Thư tịch cổ còn ghi: "Đền được xây dựng ở chân đồi Cấm, ven bờ sông Hồng, thờ vong linh danh tướng thời Lê là ông Hoàng Bảy có công bảo vệ bờ cõi, giúp dân mở mang nông nghiệp, khai khẩn điền thổ, được nhân dân tạc dạ ghi công". Đền được các triều đình xưa phong sắc "Thần vệ quốc", "Trấn An hiển liệt", "Tối linh thần", được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia ngày 17/7/1998. Đây là địa chỉ thăm viếng của du khách thập phương và cũng là điểm đến được ghi trong hành trình của nhiều hãng du lịch lữ hành. Người người đến đây để bái lạy vị anh hùng có công lao dẹp giặc, giữ yên bờ cõi. Truyền thuyết kể rằng, vào cuối thời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1786) khắp vùng phủ Quy Hóa, nhất là châu Thủy Vĩ và châu Văn Bàn, giặc cướp từ phía Bắc sang hoành hành cướp phá. Tác phẩm "Hưng Hóa xứ phong thổ lục" của tiến sĩ Hoàng Bình Chính viết năm 1778 có đoạn: "Khắp vùng loạn lạc, dân cư điêu tàn, ruộng đất bỏ hoang…". Trong bối cảnh đó, triều đình đã cử danh tướng Hoàng Bảy lên trấn thủ vùng biên giới, chỉ huy quân binh đánh đuổi giặc cướp, củng cố Bảo Hà thành căn cứ quân sự - chính trị lớn. Giặc tan, ông huấn luyện quân sĩ, tổ chức đời sống, điều hòa dân cư. Điểm đặc biệt được nhân dân tôn thờ mãi tới mai sau đó chính là cùng với trí dũng, thì đức độ của ông là rất gần gũi với dân, thấu hiểu và cảm thông sâu sắc đời sống nhân dân. Ông đã chiêu dụ các thổ hào địa phương, đón đồng bào dân tộc thiểu số từ các vùng núi cao về quần cư trên vùng đất này; dạy dân khai khẩn điền thổ, canh tác, chăn nuôi, khai mỏ, đoàn kết xây dựng quê hương. Ông cũng là vị tướng trực tiếp cầm gươm ra trận mỗi khi giặc ngấp nghé lòng tham xâm lấn vào bờ cõi. Trong một cuộc chiến đấu, ông đã hy sinh nơi biên ải, thi thể ông trôi về đúng bến Bảo Hà, nơi chân đồi Cấm thì hiển thánh. Cảm phục cuộc đời trần thế vì dân, vì nước của vị quan triều đình, nhân dân các dân tộc quanh vùng đã lập đền thờ ông. Nhiều thế kỷ đã qua, nhưng sự tưởng nhớ về vị quan binh triều đình gần gũi nhân dân, có công đức với dân vẫn vẹn nguyên sự ngưỡng vọng tôn kính. Người người vẫn cầu ông cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống yên bình, tài lộc hưng vượng. Ông Hoàng Bảy - vị quan triều đình xưa đã nêu một tấm gương soi sáng mãi, đó là làm quan mà có đức quan tâm đến sự no đói của dân, có trí dũng xả thân vì sự an nguy của đất nước thiêng liêng thì sẽ hiển thánh trong lòng nhân dân và được truyền đời thờ phụng.
Với vị trí chiến lược về giao thông của Bảo Hà, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, người dân ở đây đã viết nên những trang sử đấu tranh cho vùng đất mà mình sinh sống. Trên quả đồi đối diện với đền Bảo Hà, nơi có nhà máy giấy đế ngày nay, còn di tích đồn binh Pháp thời thực dân, phong kiến. Đồn được xây năm 1903, có thể khống chế cả đường sắt, đường bộ và đường sông, kiểm soát các xã trong khu vực.
Những năm 1914 - 1918, thực dân Pháp thực hiện chương trình khai thác thuộc địa lần thứ 2, bắt dân Bảo Hà, Kim Sơn, Cam Cọn đi phu, phá những tảng đá ngầm trên sông Hồng và bắt dân đi làm đường xe lửa từ Bảo Hà lên Phố Lu. Thời thực dân, phu phen tạp dịch, đời sống cực khổ lầm than, nhiều dân phu người Kinh, người Dao, người Tày đã bỏ mạng trên các công trường khai thác thuộc địa. Kiếp đời bị ngoại xâm đọa đày đau khổ đã làm cộng hưởng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của người dân ở đây. Ngọn lửa cách mạng trong lòng dân nhằm quét sạch lũ tham tàn, giải phóng cuộc đời, giải phóng quê hương đã được Đảng nhen lên và thổi bùng thành bão lửa. Người dân đã vùng lên cướp kho thóc, chống bắt phu, bắt lính, cùng một dải Văn Bàn - Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô đứng lên đánh giặc.
Ngày nay, Bảo Hà luôn đứng trong tốp đầu các xã của huyện Bảo Yên trong phát triển kinh tế - xã hội. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đang phát triển nhờ chính sách khuyến khích phát triển kinh tế. Đường bộ, đường sắt, đường sông - hệ thống giao thông trên địa bàn và di tích lịch sử văn hóa đền Bảo Hà là lợi thế cho địa phương phát triển. Nhờ các nguồn lực và sự đúng đắn của chủ trương, chính sách, nhịp sống ở Bảo Hà đang ngày một rộn ràng. Nhớ khi xưa, mỗi lần qua Bảo Hà là một lần buồn bã nhìn hàng cây úa héo, nhìn phố Ga lem nhem, nhưng ngày nay, trung tâm thị tứ Bảo Hà đã thành hình dáng vóc đô thị. Một đô thị trẻ trung đang vươn lên trong vùng đất giàu tình người, đậm văn hóa dân gian và chiều sâu lịch sử.
Vùng quê cực Nam của Lào Cai theo tuyến sông Hồng và đường sắt - nơi sông Hồng chuyển sang địa phận Yên Bái để đi tiếp hành trình ra biển đang mạnh mẽ chuyển mình.