image banner

Lào Cai 28° - 31°
Bắc Hà, phiên chợ cuối năm
Anh bạn đồng nghiệp từng nói, Bắc Hà có ba thứ "đặc sản", chợ phiên, rượu ngô Bản Phố và xòe Tà Chải. Ðã lên tới Bắc Hà, dù chưa được đến Tà Chải xem múa xòe, cũng nên ra chợ phiên uống rượu ngô với thắng cố. Không chỉ thế, chúng tôi còn may mắn đến Bắc Hà vào đúng phiên chợ cuối cùng của năm cũ.
Cỡ tám, chín giờ chợ mới bắt đầu họp bởi đa phần bà con nhà ở cách xa cả chục cây số dù đi từ canh ba, canh tư đã phải đi chợ. Hơn nữa, phiên chợ cuối năm, bao hàng hóa cần bán mua, trao đổi, chồng chất, gánh gồng cũng làm cho thời gian đến chợ muộn hơn thường lệ. Chợ Bắc Hà là nơi bày bán đủ mọi sản vật của vùng cao, những vật dụng cần thiết cho người dân tộc: Cày, cuốc, xẻng, dao các loại rau, hoa quả, mật ong, vải vóc, quần áo. Ðặc biệt, vào phiên chợ cuối năm, thực phẩm, hàng hóa nhiều vô kể. Tôi gặp Lý Lở Pẩy khi anh đang cầm điện thoại di động liên lạc với vợ. Nom mặt mũi Pẩy nhăn nhó chả khác nào anh chồng dưới xuôi mỗi khi chờ vợ vào siêu thị. Pẩy bảo em đã bán xong mấy chục chiếc chổi đọt ngô và hai con lợn rồi mà con vợ vẫn mải mê ở mấy hàng quần áo. Pẩy nói tiếng Kinh lơ lớ, không dễ nghe nhưng thế cũng may lắm rồi, bởi loanh quanh trong chợ cả tiếng mới có một người biết nói hoặc 'chịu' giao tiếp với khách lạ bằng tiếng Kinh.

Lý Lở Pẩy năm nay 32 tuổi, nhà ở thôn Xả Chải, xã Long Chải, cách chợ gần hai chục cây số. Trước kia chưa có xe máy, hai vợ chồng anh chất hàng lên ngựa đi từ nửa đêm. Ba năm nay, sắm được xe máy rồi, đi chợ nhàn hẳn. Pẩy cho biết chợ ngày cuối năm mang gì xuống cũng đắt hàng, chưa kịp dỡ hết hàng từ xe xuống, hai ông khách người Kinh hỏi mua luôn hai con lợn được 1,5 triệu đồng, đưa hết cho vợ sắm quần áo mới diện Tết, Pẩy hãnh diện ra mặt khoe. Lát sau, vợ Pẩy te tái chạy tới khoe mấy bộ trang phục vừa mua: 'Hai bộ váy này của mình hết ba triệu đồng, của Pẩy và hai con, mỗi 'đứa' một bộ, thế là hết 4,5 triệu'. Vợ Pẩy bảo, một trong những cái để đánh giá gia đình người Mông sung túc hay không chính là việc người phụ nữ trong gia đình sở hữu được bao nhiêu bộ váy áo. Một bộ váy áo phụ nữ người Mông có giá từ một đến 1,2 triệu đồng/bộ, cầu kỳ hơn lên tới hai triệu đồng. Quần áo nam giới thì rẻ hơn, chỉ năm trăm tới một triệu đồng một bộ. Quanh năm làm ăn, dành dụm để cuối năm xuống chợ sắm quần áo mới. Những bộ quần áo quý giá như cả một tài sản thế nên mới có chuyện các thiếu nữ người Mông trước khi vào chợ, bao giờ cũng phải tìm nơi kín đáo để thay những bộ váy mới đẹp nhất của mình. Một vẻ đẹp nổi bật của chợ phiên Bắc Hà, đó là cả khu chợ luôn tràn ngập sắc mầu của thổ cẩm, khiến khách du lịch dù tới đây lần đầu hay nhiều lần cũng vẫn không tránh khỏi cảm giác ngỡ ngàng và kinh ngạc.

Cũng giống chợ dưới xuôi, cuối năm, các hàng gạo, thịt, và quần áo là đông đúc nhất. Mấy phản thịt chất đầy thịt lợn, thịt trâu đỏ tươi. Tay người pha thịt cứ nhoang nhoáng mà không kịp bán cho mọi người đang đứng xếp hàng. Thường thì quá trưa chợ đã tan, nhưng trong phiên chợ cuối cùng kéo dài hơn. Trong khi phụ nữ vẫn mải mê mua sắm thì cánh đàn ông đã ngồi quây quanh chảo thắng cố và các nhà hàng.

Một trong những đặc sản của Bắc Hà là rượu bản Phố. Vàng Sín Dỉ đang cố sức vác can rượu to đùng từ trên xe máy xuống cho biết: cả tuần nhà Dỉ chỉ nấu một lần bán vào ngày họp chợ. Cứ 60kg ngô được 20 lít rượu, giá bán buôn là 18.000đ/lít. Chỉ nhờ nấu rượu và làm nương, hai vợ chồng có cuộc sống tạm tạm nuôi hai đứa con ăn học... Bà con đi chợ mua rượu không tính bằng lít mà tính bằng can. Thử rượu thì vô tư, đi dọc dãy hàng rượu nếm đủ các hàng đã đủ chếnh choáng. Rượu bản Phố rất nặng, có thể châm lửa đốt nướng thịt thú rừng được nấu bằng thứ men lá làm bằng hạt hồng mi rất công phu. Dỉ thật thà: 'Rượu giờ không nấu bằng men làm từ hạt hồng mi nữa, hồng mi hiếm lắm rồi. Men bán sẵn ở chợ năm nghìn tha hồ nấu. Chỉ nấu rượu bằng men hồng mi khi gia đình có việc lớn thôi'.

Anh bạn đồng nghiệp tại Lào Cai nói, ra chợ là thấy hết được bức tranh kinh tế, văn hóa, đặc sắc của vùng, nhất là phiên chợ cuối năm. Gặp nhau là biết cả năm đó làm ăn thế nào, khá giả hay lụi bại. 'Năm nay có mổ lợn không? Không có à, thì đến nhà tôi mà ăn'. Thế đấy, dẫu bề ngoài có sự thay đổi, điện thoại đi động cầm tay nhắn tin choanh choách hay phóng xe máy phân khối lớn nhưng tấm lòng chân thành và hiếu khách của người vùng cao vẫn chưa thay đổi.

Anh Doanh, một du khách tới từ Hà Nội ngỡ ngàng trước sự đổi thay của chợ: Trước đây, chợ Bắc Hà họp trên một quả đồi thoai thoải, giờ xây mới chia lô từng khu vực bán hàng đã phần nào mất đi vẻ đẹp nguyên sơ. Tôi an ủi anh: cũng phải thôi anh ạ, chợ cũng không thể đứng bên lề sự phát triển của kinh tế, xã hội được. Trong xu hướng bị thương mại hóa các chợ vùng cao thì Bắc Hà là một trong những nơi hiếm hoi còn giữ được bản sắc dân tộc, nét riêng độc đáo của các phiên chợ xưa. Ðến Bắc Hà, du khách không gặp cảnh mời chào chèo kéo mua hàng, mà chỉ thấy những gương mặt thuần phác trong bộ quần áo dân tộc sặc sỡ mua bán trong khung cảnh êm đềm. Bà con đến chợ ngoài mua bán còn là để gặp gỡ nhau.  Cách bán hàng của bà con cũng thật vùng cao, chẳng thấy xuất hiện cái cân nào. ớt, hạt cây giống bán theo vốc tay, cà chua, khoai sọ bán theo mớ, theo túi, lợn gà tùy từng con mà nói giá... Ngoài những nông sản vật, đồ thổ cẩm thì hàng hóa nhiều nhất ở chợ vẫn là đồ Trung Quốc từ vải, quần áo, đến cả các loại thuốc chữa bệnh, đèn pin bày la liệt.

Năm 2009, tạp chí Serendib (Xri Lan-ca) có bài viết giới thiệu mười chợ hấp dẫn ở Ðông - Nam Á, trong đó có chợ vùng cao Bắc Hà với lời giới thiệu khá chi tiết và nhấn mạnh: 'Chợ phiên Bắc Hà mang đậm nét sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc vùng cao Tây Bắc Việt Nam, lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước'. Do vậy, phiên chợ nổi tiếng Bắc Hà, ngoài tiếng Mông chiếm nhiều nhất, còn có các ngôn ngữ Nùng, Tày, Dao, Kinh còn có thêm một tiếng dân tộc 'Tây', bà con ở đây nói vậy.

Ba giờ chiều, chợ vãn dần, mọi người lục tục chất hàng lên gùi, lên xe, lên ngựa để về nhà kẻo mặt trời khuất núi. Những cô gái Mông má đỏ hây hây trong nắng chiều đi thành từng nhóm mặt mày rạng rỡ sung sướng, sau một ngày gặp gỡ bạn bè, lu cở trên lưng chứa đầy hàng. Tiếng hát giao duyên vẫn còn lưu luyến trên môi: Con người làm chủ núi/ Con người trồng cây/ Con người vùng cao/ Sống vui giữa những ngày chợ.

Chỉ tạm xa nhau vài ngày thôi, mọi người lại xuống chợ gặp nhau ở phiên chợ đầu năm mới. Chị Thào Thị Chứ nói: Chợ phiên Bắc Hà ngày đầu xuân nhu cầu mua, bán không cao như những ngày thường, nhưng cũng thu hút hàng nghìn người dân địa phương và khách du lịch đến chơi chợ và mua một vài món hàng lấy lộc đầu xuân.                                       






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập