image banner

Lào Cai 24° - 25°
Ða dạng loại hình du lịch
LCĐT - Những năm gần đây, du lịch Lào Cai đã và đang phát triển theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng các sản phẩm, loại hình du lịch. Một số loại hình du lịch đưa vào khai thác và phát triển mạnh như du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch gắn với các danh lam thắng cảnh, du lịch chợ phiên, du lịch tâm linh...

Một số sản phẩm du lịch hiện đã trở thành thương hiệu của Lào Cai như: Di sản cấp quốc gia ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa (Sa Pa), ruộng bậc thang tại các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát; các loại hình du lịch nông nghiệp gắn với việc trải nghiệm cuộc sống nông thôn, du lịch nông nghiệp vườn rau chuyên canh, vườn cây ăn quả ôn đới tại Sa Pa, Bắc Hà; sản phẩm du lịch cộng đồng ở Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Yên, Bát Xát; du lịch tâm linh ở Bảo Yên, thành phố Lào Cai… ngày càng được nhiều du khách thập phương biết đến.

Những năm gần đây, loại hình du lịch chinh phục đỉnh cao tại Lào Cai đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của du khách. Ngoài điểm chinh phục Fansipan - nóc nhà Đông Dương, núi Hàm Rồng (Sa Pa); các đỉnh núi hoang sơ, hùng vỹ khác cũng được nhiều du khách lựa chọn khám phá, như Lảo Thẩn, Ky Quan San, Nhìu Cồ San, Ngũ Chỉ Sơn (Bát Xát)... đã làm tăng thêm sự đang dạng cho loại hình du lịch này. Những tour leo núi, thậm chí giải thể thao chinh phục đỉnh cao cũng được các địa phương tổ chức nhằm kích cầu du lịch, tăng tính hấp dẫn đối với các du khách. Trung tuần tháng 8/2017, lần đầu tiên huyện Bát Xát tổ chức Giải leo núi “Chinh phục đỉnh Lảo Thẩn” có độ cao gần 3.000 m so với mực nước biển, thu hút 58 vận động viên đến từ các công ty lữ hành, khách du lịch và nhân dân trên địa bàn huyện Bát Xát tham gia. Cuối tháng 9/2017, Giải Marathon vượt núi Việt Nam năm 2017 - lần thứ 5 tổ chức tại Sa Pa, thu hút 2.500 vận động viên đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.

Loại hình du lịch chinh phục đỉnh cao ngày càng phát triển.

Chị Lại Thị Hoa, vận động viên tham gia Giải Marathon vượt núi Việt Nam năm 2017 đến từ thành phố Hà Nội chia sẻ: “Việc tổ chức các giải thể thao, giải leo núi kết hợp với du lịch thực sự rất thú vị. Tạo sức hút mới đối với những du khách ưa khám phá, chinh phục như chúng tôi. Tôi đã đến Sa Pa nhiều lần nhưng động lực lớn nhất để tôi quay lại lần này là tham gia giải marathon. Nếu biết về giải “Chinh phục đỉnh Lảo Thẩn” sớm hơn, tôi cũng đăng ký tham gia. Theo tôi, ngành du lịch địa phương cần có thêm những sản phẩm mới như vậy để du khách được trải nghiệm, đồng thời tăng sức hấp dẫn đối với du khách trong và người nước.

Ngoài du lịch chinh phục đỉnh cao, sản phẩm du lịch lễ hội theo mùa cũng là một trong những nét mới trong bức tranh du lịch tỉnh Lào Cai. Huyện Sa Pa đang triển khai mô hình lễ hội đặc trưng theo 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông phù hợp với đặc điểm khí hậu, thời tiết và những nét văn hóa đặc trưng của người dân bản địa. Mỗi mùa đều có những hoạt động đặc trưng. Nếu Lễ hội mùa Thu là nét đẹp của lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang và lễ rước đèn lồng khổng lồ truyền thống thì điểm nhấn của Lễ hội mùa Đông lấy không khí lạnh giá và tuyết. Bên cạnh đó là trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc cùng các sản phẩm thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ của dân tộc thiểu số bản địa. Năm 2017 cũng là năm đầu tiên huyện Bát Xát tổ chức Lễ hội mùa Thu gắn với trải nghiệm du lịch cộng đồng, khám phá ruộng bậc thang, rừng già Y Tý và chinh phục núi Lảo Thẩn. Đây là sản phẩm du lịch mới của Lào Cai nhằm thu hút khách.

Du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa bản làng tuy không mới, nhưng lại có sức hấp dẫn lớn với du khách, nhất là du khách nước ngoài. Các bản, làng tại các xã đông người dân tộc thiểu số với những nét văn hóa đặc trưng như: Tả Van, Lao Chải, Tả Phìn (Sa Pa); Bản Phố, Tà Chải (Bắc Hà); Nghĩa Đô (Bảo Yên); Cao Sơn (Mường Khương); Y Tý (Bát Xát)… đang ngày càng thu hút được khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.

Trải nghiệm chuyến du lịch cùng cộng đồng người Hà Nhì tại Y Tý (Bát Xát), du khách đến từ Đan Mạch, Frederik cho biết: “Được trải nghiệm cùng người dân ở đây khiến tôi có thể hiểu hơn về phong tục, văn hóa; thú vị hơn cả là tôi được tham gia làm việc hằng ngày của người bản địa, làm ruộng, đan lát…Sau khi về nước, tôi sẽ chia sẻ trải nghiệm của mình với bạn bè. Chắc chắn, tôi sẽ trở lại Lào Cai nhiều lần nữa để khám phá các bản, làng của người dân bản địa”.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 9 tháng năm 2017, lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt trên 2,97 triệu lượt người (khách quốc tế đạt 544.0000 lượt), tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 95,8% kế hoạch năm; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 7.927 tỷ đồng, tăng 67,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Năm 2017, Lào Cai phấn đấu đạt mốc 3,2 triệu lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch ước đạt trên 18%. Trong thời gian tới, ngành du lịch Lào Cai sẽ duy trì và phát huy tốt các loại hình du lịch, như du lịch cộng đồng, sinh thái, chợ phiên, chinh phục đỉnh cao, tâm linh… theo hướng đa dạng hóa. Đồng thời, chú trọng đầu tư du lịch sinh thái cao cấp, các khách sạn cao cấp và mở rộng hướng phát triển du lịch sang huyện Bát Xát, Bảo Yên và TP Lào Cai.

Hy vọng, với việc phát triển đa dạng các sản phẩm ngành du lịch, Lào Cai sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Góp phần tạo dựng thương hiệu “Du lịch Lào Cai” và giúp tăng tỷ trọng ngành du lịch trong bức tranh tổng thể nền kinh tế tỉnh.

ÐỨC PHƯƠNG





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập