Lào Cai 23° - 24°
“Lò luyện” của những tay nỏ cự phách
LCĐT - Ra mắt và đi vào hoạt động gần 3 năm, từ 3 thành viên ban đầu, Câu lạc bộ bắn nỏ xã Xuân Thượng đã trở thành “lò luyện” của nhiều tay nỏ cự phách như Bàn Văn Tuần, Lý Thị Thu Hiền, Đặng Văn Hòa… Đây là những vận động viên đoạt nhiều thành tích cao trong các giải đấu của khu vực, của tỉnh.

Mỗi chiều thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, các thành viên Câu lạc bộ bắn nỏ xã Xuân Thượng lại tập trung tại nhà anh Bàn Văn Tuần, Chủ nhiệm Câu lạc bộ để vót tên, đóng nỏ, tham gia tập luyện và thi đấu giao lưu giữa các thành viên. Là xã thuần nông, nên các thành viên đều quen với cây nỏ từ nhỏ. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ cũng có một số thành viên là cán bộ xã và học sinh trên địa bàn. Tất cả đều có chung niềm đam mê với cây nỏ và những mũi tên.

Các thành viên Câu lạc bộ bắn nỏ xã Xuân Thượng.

Em Lý Thị Thu Hiền, thành viên nhỏ tuổi nhất Câu lạc bộ, đoạt 2 giải Nhất nội dung đứng bắn nữ, quỳ bắn nữ tại Giải đẩy gậy, bắn nỏ tỉnh năm 2017 chia sẻ: Em tham gia câu lạc bộ từ năm 2014, được các bác, các chú trong Câu lạc bộ hướng dẫn cặn kẽ từ chọn nguyên liệu, đóng nỏ, vót tên, tâm lý thi đấu để đạt thành tích cao... Hiền đang học lớp 9, Trường THCS xã Xuân Thượng và cũng là vận động viên đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi bắn nỏ do tỉnh, huyện tổ chức. Hiện, Câu lạc bộ bắn nỏ xã Xuân Thượng có tất cả 17 thành viên (13 nam, 4 nữ) và đang đào tạo 6 vận động viên có độ tuổi từ 10 - 15 tuổi, chuẩn bị cho các giải bắn nỏ trẻ sắp tới.

Theo kinh nghiệm của các thành viên Câu lạc bộ bắn nỏ xã Xuân Thượng, để đạt thành tích cao trong các cuộc thi, cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, cần có cây nỏ tốt, mũi tên chuẩn, tập luyện thường xuyên và tâm lý thi đấu vững vàng. Để có được cây nỏ tốt, đầu tiên phải có được nguyên liệu chuẩn. Cánh nỏ được làm từ cây luồng đắng, mua từ Yên Bái, loại luồng này sẽ cho cánh nỏ dẻo, cân đối, lực bắn mạnh, không bị liệt khi lên dây, đặc biệt dùng càng lâu càng bóng, đẹp. Ngoài ra, mũi tên cũng phải làm từ cây vầu đắng, chọn cây già, gióng dài, thẳng. Sau khi lấy từ rừng về, vầu sẽ được sấy khô trên gác bếp, mũi tên được nướng dưới tro nóng để làm dẻo, dễ vót và uốn thẳng. Nói là thế, nhưng không phải ai cũng làm được cây nỏ chuẩn, tất cả đều phụ thuộc vào kinh nghiệm mà mỗi người tự đúc rút. Để làm được một cây nỏ, có thể mất đến cả tháng, tất cả đều phải tỉ mỉ và chau chuốt, anh Tuần chia sẻ.

Khi được thông báo tham dự các giải đấu, các thành viên của câu lạc bộ lại di chuyển hàng chục km bằng xe máy từ xã lên huyện, tỉnh; thậm chí đi hàng trăm km đến tỉnh Lai Châu, Hà Giang… để tham gia thi đấu. Ba năm ra mắt và hoạt động, cũng là từng ấy năm, Câu lạc bộ bắn nỏ xã Xuân Thượng gặt hái được hàng chục giải thưởng lớn nhỏ. Đối với các giải trong tỉnh, Câu lạc bộ bắn nỏ xã Xuân Thượng luôn dẫn đầu. Ngoài ra, tại giải khu vực, Câu lạc bộ cũng đạt thành tích cao. Năm 2014 - 2015, các thành viên Câu lạc bộ đã đoạt giải Nhất, nội dung đứng bắn, quỳ bắn Giải bắn nỏ dân tộc Thái khu vực Tây Bắc, tổ chức tại tỉnh Lai Châu; năm 2016, giành giải Nhất, Giải bắn nỏ dân tộc Mông, tổ chức tại tỉnh Hà Giang. Tại Giải đẩy gậy, bắn nỏ tỉnh năm 2017, Câu lạc bộ giành 3 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Ba nội dung đồng đội và 3 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Ba các nội dung thi đấu cá nhân.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Câu lạc bộ bắn nỏ xã Xuân Thượng là một trong các câu lạc bộ mạnh, có phong trào tập luyện và thi đấu rất tốt. Câu lạc bộ không chỉ là niềm tự hào của huyện Bảo Yên, mà còn của tỉnh khi đạt thành tích cao ở các giải khu vực.

Hy vọng, trong thời gian tới, Câu lạc bộ bắn nỏ xã Xuân Thượng sẽ tiếp tục phát triển, đào tạo thêm nhiều tay nỏ cự phách, giành nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi cấp huyện, tỉnh và khu vực.

ĐỨC PHƯƠNG





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập